Một trong các giai đoạn phát triển khá nhạy cảm trong doanh nghiệp, khiến nhiều nhân sự hoang mang nhất về tương lai, đó là giai đoạn tái cơ cấu doanh nghiệp. Thông thường, tái cơ cấu là một cụm từ mà đôi khi chỉ nghe đến trong doanh nghiệp bạn đang làm việc thôi, bạn đã không khỏi rùng mình.
Nhiều câu hỏi sẽ được suy diễn ra ngay lập tức là tại sao tái cơ cấu, những việc mình đang làm sẽ bị ảnh hưởng như thế nào, liệu có sa thải bớt lao động hay không, công ty đang có tình hình không tốt à?
Và đa phần các sự thay đổi đều mang theo tính tiêu cực. Tái cơ cấu sẽ mang theo một hệ quả đầu tiên và dường như là tiên quyết trong hành động của nhân sự, đó là sự “chống lại sự thay đổi”.
Tái cơ cấu không hẳn là xấu
Tuy nhiên thực sự tái cơ cấu có đáng sợ đến mức như vậy và luôn mang ý nghĩa tiêu cực hay không. Thông thường theo quan điểm rộng hơn, tái cơ cấu mang tính thay đổi nhiều hơn là biểu hiện cho một vấn đề của doanh nghiệp.
Thậm chí các doanh nghiệp đang hoạt động tốt vẫn có thể tái cơ cấu để hướng đến sự tốt hơn, phát triển bền vững hoặc cập nhật các chiến lược kinh doanh mới.
Do đó một doanh nghiệp tái cơ cấu với quan điểm cá nhân không phải là một doanh nghiệp có vấn đề. Đó chỉ là biểu hiện của việc một doanh nghiệp muốn làm mới mình và vừa có sự cập nhật mới trong quá trình phát triển chiến lược.
Sở dĩ vấn đề liên quan tái cơ cấu luôn tạo nên một bối cảnh đáng sợ cho các nhân sự trong doanh nghiệp vì nó nằm ở vấn đề truyền thông nội bộ.
Khi một thông điệp không được truyền tải đến mọi người hoặc truyền tải không rõ ràng, nó rất dễ bị hiểu sai hoặc bóp méo một cách chủ quan từ người tiếp nhận. Đặc biệt là ở các ngành đang trong giai đoạn khó khăn chung, tái cơ cấu như một hành động thoát khỏi sự khủng hoảng.
Nhưng hãy suy nghĩ tích cực, nếu không thay đổi mà vẫn kiên trì với một lối mòn cũ không còn hiệu quả, các bạn có thể an toàn trong hôm nay nhưng sẽ thất nghiệp trong ngày mai. Khi mà doanh nghiệp không còn đáp ứng được sự cạnh tranh từ thị trường hoặc không thể chuyển mình nắm lấy những cơ hội.
Thay đổi cách thức vận hành
Chính vì tái cơ cấu định hình lại cách thức một doanh nghiệp hoạt động nên đa phần đây sẽ là cơ hội cho người tìm việc nhiều hơn là những thách thức.
Thực sự mà nói nếu bạn mong muốn an toàn, thì các dự án liên quan tái cơ cấu khó phù hợp với bạn vì những điều gì mới chưa được kiểm chứng thì sẽ luôn có rủi ro. Sẽ có những thay đổi thích hợp nhưng không hiếm các trường hợp doanh nghiệp loay hoay tìm cách theo đuổi các mục tiêu và định hướng mới.
Các doanh nghiệp sẽ luôn có gắng đạt được mục đích, định hướng dài hạn của mình và cần những niềm tin rằng họ làm được. Niềm tin đóng vai trò tối quan trọng ở thời điểm này.
Cơ hội rất lớn từ tái cơ cấu
Nếu bạn gia nhập vào một doanh nghiệp đang tái cơ cấu và bạn tin vào đường lối mới, những chính sách và hoạt động mới. Chúc mừng bạn, bạn đã thành công được hơn một nửa. Còn nếu bạn đang làm việc tại doanh nghiệp nhưng không tin tưởng vào kết quả của sự đổi mới, sẽ rất khó để bạn tiếp tục tại doanh nghiệp.
Ngoài kỹ năng, kiến thức mới thì niềm tin là một yếu tố cực kỳ quan trọng trong một doanh nghiệp đang tái cơ cấu. Và nếu bạn tin vào sự thay đổi, mong muốn sự thay đổi và tìm các thử thách cho riêng mình, không việc gì các bạn lại ngại những doanh nghiệp đang tái cơ cấu để ứng tuyển.
Hãy lưu ý rằng, không phải doanh nghiệp nào tái cơ cấu cũng sẽ đi kèm cắt giảm nhân viên hay sa thải nhân sự. Vì nâng cao hiệu quả hoạt động chỉ là một trong các phương án đẩy mạnh các kết quả tài chính.