Tại sao chúng tôi nên tuyển bạn cho vị trí này. Đây là một trong các câu hỏi cuối cùng trong buổi phỏng vấn. Vậy câu hỏi này nên trả lời như thế nào là phù hợp? Và có một khuôn mẫu trả lời nào hợp lý nhất
Nội dung bài viết
Mục đích câu hỏi
Nhà tuyển dụng muốn khai thác thêm thông tin từ phía ứng viên chính là lí do đầu tiên khi đưa ra câu hỏi này. Hầu hết mọi câu hỏi phỏng vấn đều có mục đích rất rõ ràng. Và mục đích cuối cùng chính là cung cấp bổ sung các thông tin để từ đó các nhà tuyển dụng có thể đưa ra quyết định được chính xác hơn.
Câu hỏi này thường được đặt sau cùng vì một lí do. Trước đó nhà tuyển dụng đã có những câu hỏi và nhận được khá nhiều thông tin từ phía bạn rồi. Cả hai có thể đã trao đổi khá nhiều thông tin về công việc với nhau. Câu hỏi này mang tính củng cố, tổng hợp lại những gì cả hai đã trao đổi trước đó trong buổi phỏng vấn.
Có khá nhiều ý kiến cho rằng nếu trả lời câu hỏi này không “hay”, bạn có thể bị loại khỏi vị trí đang ứng tuyển. Tuy nhiên theo ý kiến cá nhân, cả một buổi phỏng vấn tuyển dụng không thể chỉ đánh giá qua một câu trả lời. Chỉ trừ khi câu trả lời của bạn rơi vào một trong các yếu tố mà công việc yêu cầu bắt buộc nhưng bạn không đáp ứng được.
Quan điểm người hỏi
Thực sự một trong các lí do hàng đầu của câu hỏi “Tại sao chúng tôi nên tuyển bạn cho vị trí này?” là để xem khả năng tổng hợp thông tin cũng như quyết tâm của bạn với vị trí ứng tuyển.
Phỏng vấn là một quá trình khá căng thẳng, và không phải ai cũng có thể ghi nhớ được toàn bộ thông tin. Thông qua câu hỏi cuối cùng, ứng viên có thể hồi tưởng lại toàn bộ quá trình phỏng vấn trước đó. Tìm được các thông tin đã được trao đổi bởi nhà tuyển dụng. Tự đánh giá xem liệu đó có phải công việc mình đang theo đuổi, và quyết định.
Có rất nhiều buổi phỏng vấn chỉ để nhận ra ứng viên hoàn toàn không hiểu, hoặc chưa nắm rõ về vị trí đang ứng tuyển. Để rồi sau buổi phỏng vấn ứng viên dù đạt vẫn có thể từ chối lời mời vào công ty làm việc. Vậy nên, qua câu hỏi gần cuối này, nhà tuyển dụng cũng mong muốn các bạn ứng viên thể hiện quyết tâm chọn lựa công việc.
Tuyển dụng là sự chọn lựa của cả hai phía. Một phía chọn doanh nghiệp để làm việc. Một phía để chọn ứng viên phù hợp với vị trí. Và không có ai hoàn toàn có quyền quyết định.
Cách thức trả lời
Nắm rõ thông tin mà người phỏng vấn trao đổi
Phỏng vấn là cơ hội tuyệt với để cả hai khai thác thông tin. Bạn là ứng viên có trách nhiệm trả lời và cung cấp thông tin chính xác. Tuy nhiên ở một khía cạnh khác, bạn hoàn toàn có quyền biết được công việc mình đang ứng tuyển như thế nào? Các thông tin nào bạn còn chưa biết.
Nếu nhà tuyển dụng không nói rõ về vị trí bạn đang ứng tuyển, đừng ngần ngại hỏi để xin thêm chi tiết. Bạn cần có một thông tin tổng quan thật tốt mà vị trí bạn ứng tuyển, cũng như doanh nghiệp mà bạn đang ngồi phỏng vấn. Các thông tin về công ty, vị trí làm việc có thể tìm thấy trên Internet nhưng không phải lúc nào nó cũng hoàn toàn chính xác.
Hãy cố gắng hiểu thật kỹ công ty và vị trí mà bạn đang ngồi phỏng vấn.
Tự đánh giá bản thân
Sau khi nắm rõ thông tin về công ty, công việc, bạn hoàn toàn có thể nhận định được mình phù hợp được bao nhiêu phần. Những gì doanh nghiệp cần nhưng bạn chưa có? Những gì bạn cần phải trau dồi học hỏi thêm khi vào làm việc tại doanh nghiệp? Đâu là những điểm bạn hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu?
Qua đó bạn có thể dự đoán được nếu vào làm việc mình có đáp ứng được hay không. Chắc chắn ít có ứng viên nào đáp ứng được toàn bộ yêu cầu tuyển dụng, nhưng chí ít khoảng cách của bạn và yêu cầu công việc không nên quá xa. Bạn chỉ có một thời gian dài nhất là trong quá trình thử việc để học hỏi và nâng cao những điểm chưa phù hợp.
Thể hiện sự quyết tâm
Lúc này, nếu cảm thấy bạn chưa đáp ứng được công việc, đừng ngần ngại chia sẻ nó. Tuy nhiên nếu bạn thực sự thích công việc đó, hãy khẳng định với nhà tuyển dụng mối quan tâm và yêu thích của bạn. Bên cạnh đó đưa ra lời cam kết nếu được nhận sẽ cố gắng học hỏi để đáp ứng được với những gì công ty yêu cầu.
Nếu bạn đáp ứng được phần lớn yêu cầu công việc, đừng quá tự tin. Các doanh nghiệp đôi khi sẵn sàng tuyển dụng những người có thái độ tốt, khiêm tốn hơn là các ngôi sao. Thái độ hơn trình độ. Do đó hãy nêu ra mong muốn vào làm việc và cống hiến của bản thân cho doanh nghiệp.
Và nếu sau buổi phỏng vấn, bạn thấy mình không phù hợp và cũng không mong muốn làm vị trí đó nữa. Đừng ngần ngại chia sẻ với nhà tuyển dụng. Bạn sẽ giúp họ tiết kiệm được rất nhiều thời gian cho các quy trình, thủ tục nhận việc. Họ có thể tìm một ứng viên khác. Và đừng quên cảm hơn họ vì đã giành thời gian chia sẻ thông tin với bạn.