Thực tế theo phân loại của nhiều nhà quản trị thì có khá nhiều các giai đoạn phát triển của doanh nghiệp như gieo hạt, khởi động, phát triển, ổn định, mở rộng, suy thoái, tan rã. Trong phạm vi về nhân sự, công tác tuyển dụng, có thể tạm chia làm ba giai đoạn đáng lưu ý là kiến lập, phát triển, ổn định.
Các giai đoạn phát triển khác nhau của công ty sẽ ảnh hưởng đến số lượng tuyển dụng, tính chất và yêu cầu tuyển dụng.
Nhìn về tổng thể, nắm được giai đoạn phát triển của công ty cho chúng ta một định hình tương đối về công tác tuyển dụng của các doanh nghiệp và những yêu cầu, những tiêu chí đặt ra với các vị trí.
Khi ở giai đoạn kiến lập, một công ty mới mẻ vừa được thành lập, mọi hoạt động của doanh nghiệp đa phần còn ở giai đoạn thử và sai.
Sẽ luôn có sự linh hoạt và điều chỉnh để hướng đến mục tiêu đầu tiên và quan trọng nhất của doanh nghiệp lúc này, đó là tồn tại và dần dần chiếm lĩnh một phần thị trường.
Ngoại trừ các công ty công nghệ phát triển một ứng dụng hoàn toàn mới, hoặc những người đi tiên phong về một lĩnh vực nào đó, đa phần các doanh nghiệp sẽ cố gắng tìm kiếm những người đã có kinh nghiệm nhất định về lĩnh vực liên quan để tập trung chất xám vào việc vận hành.
Các doanh nghiệp giai đoạn kiến tạo không phù hợp lắm với những bạn sinh viên vừa ra trường mong muốn tìm kiếm môi trường để học hỏi kinh nghiệm, hoặc mong muốn tiếp cận những quy trình chuẩn chỉnh. Chỉ những bạn trẻ nào thực sự đam mê thử thách và tự tin, sáng tạo, đặc biệt lạc quan và cống hiến mới có thể theo được các doanh nghiệp mới này.
Thực tế cũng cho thấy số lượng doanh nghiệp đăng ký mới nhiều và số lượng doanh nghiệp tồn tại sau ba năm thành lập cũng không phải là một con số quá lớn.
Nếu bạn muốn ứng tuyển vào các doanh nghiệp này, hãy bỏ qua mục tiêu ổn định về mặt công việc vì có khả năng cao rằng bạn sẽ thất nghiệp lúc nào không hay. Và đa phần yếu tố kinh nghiệm cũng được ưu tiên trong các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, cũng có một kiểu doanh nghiệp “kiến lập” đặc biệt khác. Đó là các doanh nghiệp FDI (các doanh nghiệp vốn đầu tư từ nước ngoài) lần đầu bước chân vào thị trường Việt Nam.
Quy trình và nhân tố để hoạt động họ đã có sẵn do một quá trình kinh doanh lâu dài ở nước sở tại, cái họ thiếu là những thông tin kiến thức về thị trường lao động tại Việt Nam, các yếu tố liên quan pháp luật, nguồn cung ứng, thị trường địa phương.
Vì các doanh nghiệp này sở hữu sẵn hàm lượng kiến thức và công nghệ tương đối ổn nên việc ứng tuyển vào các doanh nghiệp này cho các bạn cơ hội học tập rất tốt không chỉ về ngoại ngữ mà về kiến thức kỹ thuật.
Ngược lại, các nhân tố liên quan “nội địa” như về nhân sự, pháp luật, kế toán,.. các doanh nghiệp FDI này sẽ kỳ vọng khá nhiều vào đội ngũ nội bộ cũng như các công ty tư vấn để điều chỉnh phù hợp với quốc gia đặt trụ sở. Và tất nhiên các vị trí như Nhân sự, Kế toán, Pháp chế sẽ ưu tiên kinh nghiệm làm việc lẫn ngoại ngữ.
Khi đạt đến được giai đoạn phát triển, các doanh nghiệp lúc này sẽ không còn quá bận tâm đến việc lựa chọn thị trường của mình có cần điều chỉnh thêm không, mà lúc này sẽ đẩy mạnh hoạt động mở rộng để chiếm lĩnh các thị trường mục tiêu.
Dường như lúc này hệ thống đã hoạt động đến một mức độ hoàn thiện nhất định, và các kiến thức cũng như việc học tập, đào tạo nội bộ đã được hệ thống hóa. Các nhân sự được nhận vào làm việc giai đoạn này thông thường không đòi hỏi kiến thức và kỹ năng quá khắt khe như giai đoạn đầu kiến lập.
Thay vào đó, dường như có sự ưu tiên cho những ai có khả năng học hỏi nhanh và tuân thủ, làm đúng thiết kế nhiều hơn. Gia đoạn tăng trưởng được xem là một trong các giai đoạn tốt nhất để gia nhập vào một doanh nghiệp vì yêu cầu tuyển dụng không quá cao, số lượng cần tuyển dụng đa phần lớn và một hệ thống đào tạo khá bài bản đã được hình thành.
Các ứng viên có khả năng sẽ học được rất nhiều ở giai đoạn này dù kinh nghiệm chưa nhiều. Ngoài ra vì công ty đang trong quá trình mở rộng nên nó cũng sẽ tạo nhiều cơ hội cho những ai có chí hướng phấn đấu.
Khi các miếng bánh đã được chia hết, doanh nghiệp chưa tìm ra được kẽ hở mới của thị trường để tiếp tục đánh chiếm, việc duy trì hệ thống để thu lại lợi nhuận sẽ được xem là một chính sách hoàn toàn phù hợp.
Nhìn chung các doanh nghiệp khi đã qua giai đoạn ổn định sẽ có nhu cầu tuyển dụng không nhiều, và không có nhiều cơ hội thăng tiến hay phát triển cho các cá nhân từ bên ngoài muốn gia nhập.
Nguyên nhân một phần đến từ sự ăn nên làm ra của công ty và mọi người đều đã quen công việc, đến thời điểm để hưởng các thành quả trước đây.
Nếu công ty không đề cao sự cải tiến và chỉ chú trọng khai thác thị trường với quy mô hiện có, các công việc mang tính lặp lại sẽ thường xuyên diễn ra. Đó là chưa kể đôi khi các vị trí trống sẽ được bổ sung ngay lập tức nhờ vào chính sách tuyển dụng tiến cử nội bộ.
Do đó, ứng tuyển vào các doanh nghiệp đang trong giai đoạn mở rộng vẫn luôn là sự lựa chọn hấp dẫn nhất.