Viết CV tiếng Việt chuẩn, cách dùng từ ngữ

CV tiếng việt

Hãy viết CV tiếng Việt chuẩn. Khái niệm chuẩn ở đây hiểu theo khía cạnh về cái nhìn của một người làm tuyển dụng chứ không phải là một người học về ngôn ngữ học.

Chính tả và ngôn ngữ thuần Việt

Phải đúng chính tả và ngôn từ thuần Việt là điều đầu tiên về khía cạnh ngôn ngữ.

Với sự phát triển của các trào lưu mạng xã hội, cùng một sự vật hiện tượng các bạn có thể nghe được rất nhiều cách biểu đạt khác nhau. Chắc một số bạn ở đây từng nghe qua các cụm từ như “tấm chiếu mới” – chưa có kinh nghiệm; “một pha xử lý rất cồng kềnh” – xử lý chưa hiệu quả, …

Thực sự các ngôn ngữ này hoàn toàn không nên đưa vào trong sơ yếu lí lịch nghề nghiệp của bạn. Nó cần những người theo dõi mạng xã hội rất sát sao để hiểu về các trào lưu và các bối cảnh. Chưa kể những ngôn ngữ này phát triển liên tục và rất khó để nắm bắt được toàn bộ. CV tiếng Việt chuẩn khi ngôn ngữ thuần Việt.

Dùng từ ngữ phổ thông

Từ địa phương cũng là một lưu ý nho nhỏ về ngôn từ trong viết CV tiếng Việt chuẩn.

Không phân biệt văn hóa vùng miền, nhưng thực sự một số nhà tuyển dụng không thể đi hết mọi miền đất nước để hiểu về từ địa phương tại các tỉnh thành. Hãy dùng từ ngữ tiếng việt phổ thông cho CV của bạn.

Một số bạn đôi khi còn sử dụng các cách biểu đạt tiếng Anh xen lẫn tiếng Việt như “setup hệ thống”, “thực hiện công tác payroll”,… Tiếng Việt là một trong các ngôn ngữ có khả năng biểu đạt rất tốt hầu như mọi mặt, mọi khía cạnh trong công việc và cuộc sống. Do đó chúng ta không cần mượn một ngôn ngữ khác để biểu đạt rõ hơn cho ý tưởng và làm phong phú cách diễn đạt của bản thân.

Câu chữ đơn giản ngắn gọn

Cấu trúc câu chữ đơn giản ngắn gọn với đủ thành phần cũng là một điểm quan trọng mà các bạn khi viết CV tiếng Việt cần lưu ý.

Khi biểu đạt một ý hãy dùng ít từ ngữ nhất có thể mà vẫn biểu đạt được hoàn toàn nội dung. Bạn có thể tham khảo các bài viết học thuật về chủ đề liên quan đến nội dung công việc của bạn để có được một văn phong chuẩn mực và súc tích. Ngoài ra các bài viết học thuật đó cũng cung cấp cho bạn khá nhiều ý tưởng hoặc làm rõ các vấn đề bạn đã từng gặp, từng làm qua nhưng chưa biết diễn đạt như thế nào trong CV của mình.

Không dùng ngữ pháp khó hiểu

Các biện pháp tu từ đã được học xuyên suốt quá trình từ lớp một đến khi tốt nghiệp Trung học phổ thông, bạn hãy bỏ hoàn toàn chúng ra khỏi CV của mình.

Sẽ không một nhà tuyển dụng nào đánh giá cao một CV sử dụng toàn các lối viết ẩn dụ, thậm chí là “phóng đại”. Đó là chưa kể các câu hỏi tu từ hay các từ đồng âm khác nghĩa,.. Rất nhiều các ngữ pháp đã được học xin hãy quên nó đi khi viết CV tiếng Việt, và xin nhấn mạnh lại một lần nữa rằng: hãy sử dụng ngôn ngữ học thuật.

Không cố ý diễn đạt kéo dài

Không trùng lặp hay lỗi cố ý diễn đạt kéo dài.

Câu chuyện này sẽ rất dễ xảy ra với các trường hợp các bạn có ít hoặc chưa có kinh nghiệm làm việc. Vì lí do không muốn hồ sơ mình quá trống trải nên đôi khi chúng ta vô tình lạc vào việc lặp lại. Cũng một thao tác nhỏ nhưng có thể sử dụng một cách biểu đạt dài lê thê, thậm chí phóng đại CV một chút cho thêm phần quan trọng.

Thực sự các nhà tuyển dụng khi đọc các thông tin này sẽ không đánh giá bạn làm được nhiều hơn vì có nhiều chữ hơn trong CV, mà qua đó chỉ thể hiện được khả năng diễn đạt của bạn chưa thực sự tốt. Nó có thể từ một mẹo biến thành một điểm trừ trong mắt nhà tuyển dụng.

Không bỏ nội dung quan trọng

Thực sự rất nhiều bạn ứng viên có năng lực tốt, đã từng kinh qua nhiều hạng mục quan trọng và thể hiện được năng lực. Nhưng các bạn hãy thể hiện nó ra câu từ một cách chỉnh chu để các nhà tuyển dụng có thể hiểu được là bạn đã làm qua và đạt được những gì.

Đừng yêu cầu các nhà tuyển dụng đọc một ít thông tin và mường tượng ra được toàn bộ những gì thuộc về cả một quá trình bạn đã làm. Căn bản không phải các nhà tuyển dụng không dành thời gian cho CV của bạn, mà là đôi khi họ cũng không đủ kiến thức để am hiểu được tất cả các khía cạnh khác nhau, các ngành khác nhau để tự hiểu được CV của bạn.

Scroll to Top