Quy mô công ty ảnh hưởng gì công việc

quy mô công ty

Về cơ bản quy mô công ty ảnh hưởng khá nhiều đến cách mà doanh nghiệp vận hành. Qua đó ảnh hưởng trực tiếp đến công việc của các bạn.

Đó là lí do mọi người nên tìm hiểu một chút về quy mô của doanh nghiệp là nhỏ, vừa hay lớn để có thể phần nào hình dung ra cách thức vận hành. Vậy tiêu chí nào để xác định quy mô của doanh nghiệp?

Vì nội dung đang trao đổi trong phạm vi ở đây liên quan đến việc làm nên quy mô sẽ được căn cứ dựa trên số lượng nhân sự của công ty, chứ không phải doanh thu hay sản phẩm. Mức độ dàn trải đa lĩnh vực, ngành nghề, các mô hình tập đoàn cũng sẽ là một điểm mà chúng ta khó lường trước được khi đi làm.

Hiện nay với xu hướng phát triển không ngừng, nhiều doanh nghiệp phát triển vượt ra khỏi mô hình làm việc đơn ngành (chỉ hoạt động kinh doanh dựa trên một ngành nhất định). Nhiều ông chủ tiến hành đa dạng hóa hoạt động sản xuất kinh doanh của mình và tạo lập nên các mô hình tập đoàn hay các công ty đa ngành.

Các ngành mới, các mô hình kinh doanh hay phân khúc khách hàng chưa được tiếp cận ngày nay luôn được khai thác ở mức tối đa, tạo ra được nhiều sự lựa chọn cho mọi người hơn trong việc nâng cao chất lượng sống của mình.

Mức độ khuôn khổ công việc

Nhân tố đầu tiên mà Quy mô và phạm vi kinh doanh của các doanh nghiệp ảnh hưởng đến công việc của chúng ta hàng ngày, đó là mức độ sáng tạo hay khuôn khổ trong công việc.

Để dễ hình dung cho các bạn, nếu một doanh nghiệp trong một bộ phận có quá nhiều những con người cùng làm một nội dung công việc tương tự nhau. Và đặc biệt hơn là mỗi người làm theo một cách khác nhau mà trước đó mình đã quen thuộc. Điều này khiến cho kết quả làm việc không chỉ của phòng ban mà đôi khi là cả công ty bị ảnh hưởng lớn.

Với một doanh nghiệp quy mô lớn và đơn ngành, hoạt động và phát triển đủ lâu trong lĩnh vực mà mình đang thực hiện, các quy trình và biểu mẫu, quy tắc quy củ sẽ luôn được định hướng một cách khá rõ ràng.

Nó sẽ là kim chỉ nam cho mọi hoạt động và cách thức mà các cá nhân ứng xử với nhau. Điều này càng đặc biệt đúng với các nhóm vị trí trọng yếu tại các doanh nghiệp đó, để đảm bảo được sự nhất quán và số đông đi theo một con đường mà các nhà lãnh đạo đã hoạch định sẵn.

Làm đúng thiết kế là một điều cực kỳ quan trọng ở các nhóm doanh nghiệp này, và tất nhiên sự sáng tạo của bạn sẽ giảm đi khá nhiều ở các môi trường này. Bù lại nếu bạn cần kinh nghiệm làm việc, đây là một môi trường tốt đáng học hỏi với nhưng kiến thức và quy trình đã được dựng sẵn.

Ngược lại trong một môi trường làm việc mà bạn là duy nhất của vị trí hoặc doanh nghiệp đó thành lập chưa lâu, quy mô nhỏ lẻ, sự linh hoạt và sáng tạo của bạn sẽ được đề cao. Các doanh nghiệp như vậy luôn giành không gian cho nhân viên phát triển tư duy hoàn thiện quy trình làm việc, khuyến khích sáng tạo đổi mới.

Tuy nhiên sẽ không hiếm các trường hợp các vị trí đó chưa có SOP hay các bước chuẩn mực để thực hiện công việc, mà vẫn đang trong giai đoạn thử và sai nhằm đi đến sự tối ưu hoàn thiện. Số lượng nhân sự (quy mô doanh nghiệp) và đặc biệt là số đồng nghiệp bạn đang có ở vị trí sẽ ảnh hưởng khá nhiều đến mức độ sáng tạo hay khuôn khổ trong công việc của bạn.

Quy mô công ty ảnh hưởng sự linh hoạt

Quy mô doanh nghiệp và mức độ đa ngành còn ảnh hưởng đến sự linh hoạt hay cứng nhắc của một doanh nghiệp. Bạn hãy hình dung một doanh nghiệp với 20 nhân sự và một doanh nghiệp với 2 000 nhân sự. Điều này sẽ rất khác khi thực hiện các quyết định. Với số lượng nhân sự ít và bộ máy không quá cồng kềnh, việc thay đổi sẽ rất dễ thực hiện vì căn bản nó không tốn quá nhiều chi phí thời gian.

Việc thay đổi một điều gì đó ở một doanh nghiệp quy mô nhân sự lớn cần rất nhiều nỗ lực. Nó ảnh hưởng và tương tác đến nhiều cá nhân, và tất nhiên mỗi cá nhân sẽ có nhiều phản ứng khác nhau bao gồm cả đồng thuận và chống đối. Đó là chưa kể đến việc doanh nghiệp thực hiện việc truyền thông cho việc thay đổi đó tốt đến đâu để mọi người hiểu được rằng có những thứ cần phải điều chỉnh nhằm đạt đến mội kết quả tốt hơn.

Đối với các doanh nghiệp dàn trải đa ngành, sự thay đổi còn thực hiện lâu hơn nữa vì sự không đồng nhất về đối tượng khách hàng, quy trình và tương tác. Nhưng quyết định mang tính tập đoàn gây ra sự hỗn loạn lớn hơn nhiều so với mức độ các công ty thành viên.

Do đó có thể nói rằng các bộ máy càng cồng kềnh thì sự linh hoạt của các việc ra quyết định liên quan đến công việc càng thấp, chưa kể sẽ còn cần nhiều cấp xét duyệt và nghiên cứu kết quả, đôi khi là hậu quả. Điều này với các doanh nghiệp nhỏ, hoạt động đơn ngành lại không phải là một vấn đề quá lớn. Linh hoạt và giỏi chuyển đổi dường như luôn là một điểm mạnh của họ.

Công việc chi tiết hay tổng thể

Và một điểm các bạn có thể lưu ý về sự khác nhau giữa các doanh nghiệp là các bạn định hướng làm việc chi tiết hay tổng thể. Nói cách khác các bạn muốn làm những công việc chuyên môn hóa vào một phần việc cụ thể hay muốn đa dạng hóa kiến thức dựa trên các công việc đa năng. Quy mô doanh nghiệp có một vai trò rất quan trọng xác định mức độ “đa dạng hóa” công việc của bạn.

Trong các doanh nghiệp quy mô nhỏ, các lãnh đạo khó lòng phân hóa các vị trí công việc thành từng mảng việc chuyên biệt. Sẽ rất lãng phí nguồn nhân lực khi phần việc chuyên biệt đó ko chiếm quá nhiều thời gian mỗi ngày để xử lý vì thực sự số lượng sự vụ xảy ra không nhiều. Càng đa dạng, càng quy mô lớn, nhưng việc phát sinh càng phức tạp và có nhiều tình huống khác nhau.

Do đó sẽ không ngạc nhiên khi chúng ta thấy các doanh nghiệp vừa và nhỏ có các vị trí “kiêm nhiệm”. Ở vị trí đó sẽ không cho bạn một phần hành công việc quá cụ thể hay tập trung vào một hay vài đối tượng. Các vị trí này yêu cầu người thực hiện phải làm nhiều nghiệp vụ khác nhau, và mỗi phần việc sẽ xử lý ở mức độ chuyên sâu vừa phải. Không có quá nhiều các tình huống nan giải nhưng sẽ có rất nhiều sự vụ liên quan mỗi ngày dàn trải trên nhiều phạm vi để bạn xử lý.

Tại các vị trí này, điều bạn học được sẽ là sự bao quát về công việc, tính đa năng và kiến thức tổng quát. Nếu các bạn có khả năng tổng hợp tốt và dần dần định hình được một bức tranh toàn cảnh về công việc, những kinh nghiệm làm việc ở các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ sẽ cho bạn khá nhiều những điều hữu ích và nền tảng để các bạn làm việc ở các vị trí quản lý sau này.

Ngược lại với các doanh nghiệp quy mô lớn và siêu lớn, kiến thức và kỹ năng chuyên sâu về một lĩnh vực sẽ là tất cả những gì bạn cần chứng minh và nỗ lực phát triển để hoàn thành tốt công việc. Tuy nhiên thông thường mức độ đòi hỏi càng chuyên sâu, thì sẽ càng có nhiều cá nhân đồng nghiệp, cấp trên hay các quy trình được viết sẵn hỗ trợ bạn trong công việc.

Do đó các bạn nên định hình trước cho mình rằng liệu bản thân thích làm một công việc chuyên sâu chi tiết hay mang tính tổng thể. Và quy mô, mức độ dàn trải ngành nghề của doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng kha khá đến nội dung công việc của các vị trí trong doanh nghiệp đó.

Scroll to Top