Mở rộng ra vấn đề về thành tích công việc trước đây có áp dụng được cho công việc mà bạn ứng tuyển. Có khá nhiều quan điểm và hầu như không tìm được một tiếng nói chung hay cái nhìn tổng quát nào để làm hướng dẫn cụ thể, ngoài việc sự liên quan giữa thành tích và công việc mà bạn đang muốn ứng tuyển.
Tuy nhiên thế nào được gọi là liên quan trong công tác tuyển dụng là một vấn đề cần được làm rõ hơn.
Để các bạn dễ hình dung, có thể chia việc đi học của chúng ra ra làm nhiều giai đoạn. Giai đoạn đầu từ 6 đến 18 tuổi, tạm gọi là phổ cập giáo dục. Giai đoạn hai là năm đầu tiên khi các bạn là sinh viên, tạm gọi là học kiến thức đại cương. Giai đoạn tiếp theo là từ sinh viên năm hai cho đến khi các bạn tốt nghiệp – giai đoạn học các kiến thức chuyên ngành. Và giai đoạn cuối cùng, từ lúc không còn ngồi trên ghế nhà trường cho đến khi bạn không còn tồn tại ở cõi đời này nữa – giai đoạn tự học.
Theo thời gian, mức độ chuyên môn hóa và khác biệt hóa của các giai đoạn sẽ càng khác nhau.
Nếu như trong suốt giai đoạn phổ cập giáo dục, các bạn được đào tạo theo một giáo trình bắt buộc và quy chuẩn hóa thì đến giai đoạn thứ hai trở đi, nó lại phụ thuộc vào sự lựa chọn của các bạn. Đặc biệt là giai đoạn cuối cùng, từ lúc rời khỏi ghế nhà trường. Bạn có thể học bất cứ điều gì bạn muốn và không còn mang tính ràng buộc bởi các kỳ thi, tốt nghiệp, bằng cấp, …
Chính vì sự chuyên môn hóa ngày càng sâu trong việc học tập, việc bạn lựa chọn việc làm, đạt được các thành tích sẽ ngày càng thu hẹp trong một phạm vi nhất định.
Sẽ rất khó khi bạn vừa là một họa sĩ, kiêm một lập trình viên, và kiêm cả một kỹ sư điện tử. Thời gian của mỗi cá nhân đều là như nhau, mỗi ngày đều có 24 giờ nên việc lựa chọn một lĩnh vực theo đuổi sẽ ảnh hưởng nhiều đến tương lai của bạn.
Khi đã lựa chọn và theo đuổi được một chuyên ngành nhất định, bạn sẽ dần tích lũy được các kỹ năng và kiến thức công việc dành cho chuyên ngành đó.
Một trong các quan niệm tôi từng được nghe khi các bạn đăng ký học là “học kỹ sư có thể làm kinh tế, nhưng học kinh tế khó mà làm kỹ sư được”. Nhận định này theo tôi không đúng, không sai mà tùy thuộc vào mỗi người có khả năng tự học đến đâu. Thời gian trong suốt quá trình học Đại học, Cao đẳng là quá ngắn so với quãng đường còn lại của các bạn ở ngoài xã hội.
Tuy nhiên khi bạn đã xuất sắc và có một thành tích công việc đáng kể ở một công việc nào đó, chúng ta thường sẽ lựa chọn các việc tiếp theo theo một lối mòn giống với công việc trước đây. Nếu bạn cũng có một lựa chọn như vậy, thì “thành tựu” các bạn đã có sẽ tương thích với công việc mới mà bạn mới ứng tuyển. Vì giữa những cái bạn đã có và những cái bạn mong muốn sự khác biệt là không quá nhiều.
Lối mòn này còn dẫn dắt cho bạn kiếm một công việc mới nằm trong “vùng an toàn” và ít nguy cơ tiềm ẩn rủi ro hơn.
Lúc này những kinh nghiệm làm việc trước đó có một vai trò quan trọng trong việc các nhà tuyển dụng nhìn nhận năng lực của bạn thông qua bản CV và quyết định liên hệ để mời bạn tham dự vào một buổi phỏng vấn.
Đôi khi các bạn có thể lấn ra ngoài vùng an toàn một chút bằng các công việc tuy không tương đồng hoàn toàn nhưng vẫn có một chút gì đó căn cứ trên nền tảng công việc cũ. Không sao cả. Các thành tựu ở công việc cũ hoàn toàn có thể là điểm cộng của bạn.
Tuy nhiên một vấn đề ở đây là nếu những gì bạn đã làm và cảm thấy không còn hấp dẫn, bạn hoàn toàn muốn thoát ra khỏi vùng an toàn và làm một điều gì đó mới mẻ hoàn toàn chứ không dựa trên các nền tảng cũ.
Hãy cân nhắc thận trọng và bên cạnh đó điều chỉnh lại CV của một một cách thận trọng. Kiểm tra lại kỹ các thành tích công việc trước đây của bạn có thực sự cần thiết để đưa vào hay không. Bạn có thể là một họa sỹ giỏi và muốn lấn sân sang lĩnh vực thiết kế nội thất. Nó đều có những điểm tương đồng về kiến thức liên quan màu sắc, bố cục, thiết kế trang trí,… nhưng việc một họa sỹ chuyển sang làm IT lập trình là cả một vấn đề lớn.
Hãy thử kiểm tra lại xem công việc và bạn muốn ứng tuyển có các nội dung nào mà thành tích công việc trước đây của bạn thể hiện được hoặc có mối liên kết với nhau hay không. Nếu không có hãy mạnh dạn loại bỏ nó khỏi CV.
“Các nhà tuyển dụng tìm kiếm ứng viên phù hợp nhất cho một công việc, không phải là ứng viên giỏi nhất”. Bạn có thể là một ngôi sao ở một lĩnh vực nhưng chưa chắc sẽ hoàn toàn thích ứng được ở một vai trò vị trí mới, nơi mà các điểm mạnh của bạn hoàn toàn không liên quan gì đến yêu cầu công việc.