Bạn có quyền lựa chọn ngành nghề công việc làm khi ứng tuyển vào một doanh nghiệp
Ngành nghề hoạt động công ty ảnh hưởng thế nào đến việc bạn chọn một công việc
Ngành nghề công việc làm, lĩnh vực kinh doanh của công ty là một yếu tố quan trọng trong việc lựa chọn con đường sự nghiệp. Một số bạn học một chuyên ngành nhất định như dầu khí, xây dựng,.. các ngành nghề đa phần liên quan đến kỹ thuật thì hầu như sẽ chỉ ứng tuyển vào các vị trí tuyển dụng liên quan đến ngành mình được đào tạo.
Những công việc và ngành nghề này quá chuyên môn và đặc thù. Và ở đây khó có một sự lựa chọn khác phù hợp hơn.
Một số ngành học khả năng làm việc và tìm việc làm lại rộng mở – những ngành mà các tiêu chuẩn kỹ thuật không quá khắt khe và có những tiêu chí, nền tảng căn bản chung như kế toán, ngoại ngữ,…
Nếu các bạn không có cơ hội lựa chọn căn bản vì chuyên ngành bạn theo đuổi quá hẹp, hãy nỗ lực hết sức để phát triển công việc của mình. Tuy nhiên nếu bạn có quyền lựa chọn một vài ngành mà mình theo đuổi cho sự nghiệp, hãy lưu ý đến nhân tố ngành nghề đó đang như thế nào trước khi quyết định.
Một ngành sẽ xác định cách thức mà doanh nghiệp vận hành từ đó hình thành nên cấu trúc chung của doanh nghiệp, các vị trí và các đặc thù của công ty. Nó có những quy luật chi phối mà các doanh nghiệp khó lòng có thể chống lại.
Kinh doanh cạnh tranh trong một ngành thì bạn phải theo luật chơi của ngành đó, nếu bạn đi ngược lại xu hướng hoặc bạn sẽ bị đè bẹp hoặc tự bạn sẽ sáng tạo ra một ngành khác.
Chẳng hạn một ngành bán lẻ sẽ buộc bạn làm việc với một số lượng hàng hóa và khách hàng khổng lồ, và các địa điểm phân phối sản phẩm cực kỳ quan trọng. Cung cấp trải nghiệm cho người mua dù trực tiếp hay trên các website khá quan trọng.
Ngược lại nếu bạn làm việc cho ngành xây dựng, công trình mới là những gì bạn quan tâm và đôi khi bạn còn không bao giờ gặp người sử dụng trước khi công trình đó hoàn thiện.
Chính vì tính chất khách hàng khác nhau và bộ các giá trị đem đến cho khách hàng khác nhau, các quy trình nội bộ trong doanh nghiệp cũng như cách thức đào tạo nhân sự giữa các ngành cơ bản là khác nhau.
Thậm chí những công ty trong cùng một ngành cũng sẽ có các cách thức vận hành khác nhau tùy thuộc phân khúc khách hàng – nhóm đối tượng mà họ hướng tới.
Không có công ty nào vượt khỏi giới hạn ngành. Ngành nghề quy định lượng kiến thức và chuyên môn mà bạn cần theo đuổi. Đó luôn là một sự thật, và mỗi ngành gắn liền với mỗi sản phẩm hoặc dịch vụ.
Các sản phẩm hoặc dịch vụ đó sẽ có những phương thức tạo ra và kiểm định chất lượng khác nhau. Và tất cả tổng hợp tạo thành một bộ kiến thức, quy chuẩn kỹ năng mà bạn phải đạt được khi làm việc trong một ngành nhất định.
Hãy cân nhắc kỹ rằng những định hướng của bạn với một công việc nhất định liệu sẽ có phù hợp trong một ngành cụ thể hay không.
Chẳng hạn cùng là PMC nhưng nếu bạn làm trong một doanh nghiệp gia công may mặc với hàng trăm khách hàng khác nhau sẽ khác hẳn việc bạn làm cho một doanh nghiệp gia công hàng điện tử với một vài khách hàng lớn cố định
Và hãy thận trọng để suy nghĩ và kiểm tra tương lai của ngành bạn dự định theo đuổi, nếu bạn thực sự có nhiều sự lựa chọn.
Các ngành đang đi vào hồi kết sẽ đóng cánh cửa việc làm của bạn trong tương lai và không có những dự báo nào lạc quan về việc bạn sẽ mang được những kiến thức và kỹ năng sang các ngành khác làm việc. Căn bản rằng nó đã lỗi thời hoặc không còn phù hợp với xu hướng phát triển trong cuộc sống.
Ngược lại ngành đang phát triển cho bạn cơ hội và thị trường việc làm to lớn. Đó là những cách thức mang lại giá trị mới cho người sử dụng, chưa bão hòa, tiềm năng lớn và nhiều doanh nghiệp nhận thấy sẽ lao vào giành giật và khai phá.
Khi đó lượng nhân sự cần để làm việc trong ngành đó sẽ tăng lên đồng nghĩa với nhiều việc làm được tạo ra, nhiều vị trí cần các kinh nghiệm từ những người đã làm trước đó và dĩ nhiên bạn sẽ có cơ hội thăng tiến nhiều hơn.
Các ngành nghề công việc làm khác nhau và tính chất công việc
Khi các ngành khác nhau, công việc của bạn cũng sẽ khác nhau. Mặc dù chức danh của công việc của nhiều công ty trong nhiều ngành là tương đồng.
Một số bạn sẽ rất ngạc nhiên là tại sao mình ứng tuyển vào vị trí chức danh hoàn toàn giống với chức danh ở công ty cũ. Tuy nhiên vẫn chưa có một cuộc hẹn phỏng vấn nào. Nó nằm ở chính tính đặc thù ngành, ảnh hưởng lên những gì công việc đó đảm nhận.
Tính chất của lĩnh vực kinh doanh quy định cách thức doanh nghiệp vận hành, tương tác. Từ đó xác định nội dung công việc của vị trí.
Sẽ không ai có thể chống lại thị trường, chống lại các quy luật tất yếu để tồn tại trong một ngành nghề. Đó có thể là những yếu tố mang tính hữu hình như tài sản, máy móc hay đến các yếu tố vô hình như công nghệ, hệ thống, nhân sự. Một số bạn sẽ có thể tìm thấy cụm từ “rào cản gia nhập ngành” và nó hoàn toàn là có thật.
Bạn không thể muốn là có thể làm được lĩnh vực bất động sản, hay mở một doanh nghiệp sản xuất ô tô, một hãng bay,.. Những điều kiện gia nhập ngành này phần nào có tác động đến mọi cách thức vận hành và tương tác trong doanh nghiệp.
Bởi khi bạn đã đủ điều kiện và năng lực thể tham gia vào một ngành nghề nào đó, bạn còn cần sử dụng các nguồn lực đó một cách sao cho hiệu quả nhất mới tạo ra được lợi nhuận dài hạn.
Và không hiếm các trường hợp các doanh nghiệp mới vào một ngành sẽ thuê lại, tuyển dụng các chuyên gia, những người làm việc lâu trước đó trong ngành để tận dụng nguồn nhân lực và kiến thức, đặc biệt là các ngành mà đòi hỏi trình độ quản lý và trình độ chuyên gia rất cao.
Và như vậy các doanh nghiệp về cách vận hành không tránh khỏi một số điểm tương đồng với nhau, học tập lẫn nhau. Do đó nhìn chung các mô tả công việc trong cùng một ngành sẽ có nhiều điểm tương tự nhau.
Tuy nhiên với các ngành khác nhau, vì sự khác nhau về các kỹ năng bạn cần tìm hiểu để theo đuổi và đối tượng lao động, nhìn chung cũng là chức danh công việc đó nhưng tính chất sẽ khác đi nhiều.
Một điều tra viên chất lượng của ngành điện tử sẽ cần học các kiến thức về chất lượng chuyên sâu khác so với ngành sản xuất gỗ. Một vị trí phụ trách xuất nhập khẩu ở các doanh nghiệp may mặc cũng sẽ khác các doanh nghiệp sản xuất xe hơi.
Về nền tảng là giống nhau nhưng đi sâu vào công việc sẽ có nhiều điểm không tương đồng và bạn cần tích lũy thêm về mặt kiến thức giữa các ngành. Những kiến thức bắt buộc của mỗi ngành là nhân tố không thể thiếu khi bạn chọn một ngành cụ thể để theo đuổi.
Trong cùng một ngành thậm chí các công việc cũng hoàn toàn không tương thích nhau, vì nhiều doanh nghiệp đi theo nhiều chiến lược phát triển và có định vị khác nhau hoàn toàn. Định vị ở đây chính là đối tượng khác hàng mục tiêu – những người được xác định để doanh nghiệp đó cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ.
Trừ những ngành độc quyền được bảo hộ, đa phần mỗi nhóm ngành sẽ có một vài, thậm chí rất nhiều doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp sẽ lựa chọn cho mình một phân khúc khách hàng cụ thể và xây dựng nên các mục tiêu, quy trình để phục vụ họ. Và đôi khi trong ngành sẽ có những doanh nghiệp đang phát triển mạnh cũng như một số khác đang xoay sở để tồn tại.
Việc tìm hiểu kỹ về một ngành, một doanh nghiệp khi bạn đang muốn ứng tuyển vào đó luôn cho bạn những kiến thức quý giá. Đó còn là một điểm cộng trong buổi phỏng vấn khi bạn hiểu khá rõ về doanh nghiệp và ngành đang hoạt động, và cho nhà tuyển dụng thấy rõ lí do bạn quan tâm và muốn gia nhập vào công ty.
Suy cho cùng những người đã có mục tiêu rõ ràng sẽ kiên định hơn về hành động so với những người còn chưa tìm ra đường hướng cụ thể – mặc dòng đời đưa đẩy. Đó cũng là một nhận xét của nhà tuyển dụng về ứng viên.