Việc lựa chọn và viết những thành tích nổi bật trong CV cũng là một vấn đề chúng ta cần cân nhắc và chọn lựa thận trọng.
Nội dung bài viết
Nếu bạn ít kinh nghiệm
Với các bạn trẻ có thời gian làm việc chưa quá dài, hoặc các bạn chưa trải qua nhiều doanh nghiệp và các vị trí khác nhau. Các thành tích đã đạt được nên đưa hết vào bản CV mà không cần suy nghĩ quá nhiều.
Một trong các lí do là thực sự những trải nghiệm của bạn có thể chưa được phong phú khi làm quá lâu một công việc, hoặc đi làm chưa được lâu. Do đó chắc hẳn phần kinh nghiệm của các bạn sẽ không quá phong phú.
Việc đưa tất cả các thành tích nổi bật trong CV cho thấy bạn dù làm một công việc hoặc chưa tích lũy được các trải nghiệm phong phú, nhưng cũng đã dồn hết sức mình vào trong công việc trước đó và gặt hái được những thành tựu nhất định. Nó cho các nhà tuyển dụng thấy bạn đã nghiêm túc và nỗ lực đến như thế nào khi thực hiện các công việc trước đó.
Nếu bạn nhiều kinh nghiệm
Với các ứng viên có bề dày kinh nghiệm “nhảy việc” ở nhiều doanh nghiệp khác nhau hoặc đã làm qua khá nhiều vị trí công việc. Lựa chọn và viết những thành tích nổi bật trong CV cần được thực hiện một cách cẩn thận, tránh tình trạng quá lan man và không tạo được điểm nhấn.
Thành tích đó có phải là tốt nhất
Điều đầu tiên cần cân nhắc về thành tích là liệu đó có phải là điểm sáng nhất của bạn trong một hoạt động hay không.
Có thể trong suốt quá trình làm việc bạn đạt được khá nhiều thành tích ở cùng một hạng mục công việc hay phần việc. Hãy ghi lại thành tích nào xuất sắc nhất. Bạn không cần liệt kê mỗi năm làm được gì, hãy cho người khác biết rằng bạn đã làm xuất sắc nhất những gì. Đó chính là điểm sáng của CV bạn.
Một CV với quá nhiều thành tích trùng lặp, chỉ khác nhau về con số kết quả đạt được sẽ giống với một bảng báo cáo kết quả công việc hàng năm hơn là sơ yếu lí lịch nghề nghiệp. Bên cạnh đó lượng thông tin dữ liệu đưa vào CV cũng không nên quá dài dòng và nhiều sự trùng lặp. Mọi thông tin nên ngắn gọn, rõ ràng và súc tích nhất có thể.
Có liên quan công việc ứng tuyển
Một điểm khác bạn cần lưu ý khi bạn có nhiều thành tích và cân nhắc vào việc nên đưa nó vào CV hay không chính là “thành tích đó có liên quan hay ảnh hưởng gì đến công việc bạn muốn ứng tuyển không”.
Nếu bạn ứng tuyển vào một vị trí cao hơn ở cùng ngành nghề bạn làm việc trước đây, rõ ràng các thành tích ở công ty cũ nên đưa vào trọn vẹn vì nó cho nhà tuyển dụng thấy ở công việc trước đây bạn đã làm tốt đến như thế nào, và khẳng định được chuyên môn ra sao đối với công việc mà bạn đang quan tâm ứng tuyển.
Nếu công việc mới không hoàn toàn giống những gì trước đây bạn làm nhưng những thành tích nổi trội cũ cũng thể hiện được các kỹ năng cần có cho vị trí mới. Vậy tại sao bạn lại không đưa nó vào cơ chứ.
Chẳng hạn bạn đang có một thành tích đáng nể trong lĩnh vực sales và muốn nhảy sang một lĩnh vực mới là làm Headhunter cho các doanh nghiệp săn đầu người. Bạn hoàn toàn có thể đưa các thành tích của mình trong quá trình làm kinh doanh trước đây, vì nó cho nhà tuyển dụng thấy bạn có khả năng định vị khách hàng và thương thảo tốt đến thế nào.
Hoặc nếu bạn đang là một kế toán và muốn chuyển sang lĩnh vực mới làm phân tích tài chính. Các kiến thức kế toán sẽ là nền tảng cho việc bạn phát triển bao quát hơn vào trong công việc phân tích tài chính, khi mà bạn cần nắm rõ về kế toán, các báo cáo tài chính lẫn xu hướng thị trường tài chính doanh nghiệp.