Một trong những điều rất quan trọng khi các bạn đưa những thành tích của mình vào CV là hãy tôn trọng sự thật, tránh thổi phồng thành tích. Các nhà tuyển dụng sẽ chọn lựa các ứng viên dựa trên tiêu chí phù hợp nhất với doanh nghiệp và vị trí cần tuyển dụng, không phải là các ứng viên xuất sắc nhất.
Do đó không hẳn bạn có rất nhiều thành tích xuất sắc sẽ đảm bảo chắc chắn cho việc CV của bạn lọt vào mắt xanh của nhà tuyển dụng. Cấp bậc của vị trí và “gu” của bộ phận cần tuyển nhân sự đóng một vai trò không kém phần quan trọng.
Với các vị trí cấp cao rõ ràng thành tích tốt ở lĩnh vực bạn đang ứng tuyển là một điểm cộng. Sẽ rất khó để đánh giá những bậc “già làng” trong một ngành nghề nếu xuyên suốt một thời gian dài công tác, họ lại không có một điểm sáng nào trong CV của mình.
Bên cạnh đó, những thành tích liệt kê tô điểm thêm cho quá trình làm việc của bạn rằng bạn đã nỗ lực đến như thế nào để đạt được các thành quả đó. Tuy rằng mỗi doanh nghiệp khác nhau các điều kiện và quy trình, con người sẽ không giống nhau.
Một thành tích ở doanh nghiệp cũ không đảm bảo cho việc bạn sẽ vẫn thành công ở doanh nghiệp mà bạn đang ứng tuyển. Nhưng như đó sẽ là một “điểm cộng”.
Tuy nhiên hãy lưu ý vì một lí do cá nhân nào đó mà bạn buộc phải ứng tuyển vào các vị trí có cấp bậc có thể không cao bằng vị trí hiện tại của bạn. Hãy kiểm tra lại liệu rằng các thành tích bạn đưa ra có còn phù hợp trong CV của mình.
Hãy thử tưởng tượng bạn ứng tuyển vào vị trí một chuyên viên thu mua cho một doanh nghiệp và thành tích nêu ra là “quản lý 20 nhân viên với hơn 10 000 nhà cung cấp”. Thực sự thành tích này cần lưu ý để xem xét có nên cho vào CV hay không.
Khi tìm kiếm một chuyên viên, nhà tuyển dụng mong muốn một ứng cử viên thực sự làm thao tác hàng ngày với các quy trình nhỏ mà bộ phận đề ra. Việc bạn nêu ra kinh nghiệm quản lý của mình đôi khi còn là một điểm trừ vì sẽ có những nhận định rằng bạn chỉ ứng tuyển làm tạm thời trước khi tìm kiếm một công việc quản lý khác.
Không khuyến khích các bạn khai gian CV nhưng rõ ràng việc bạn “vô tình” bỏ quên những kỹ năng mà bạn thực sự có cũng không phải là những gì quá to tát hay ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Việc bạn không sở hữu nó nhưng lại ghi có, điều đó mới “đáng sợ” và “gây hại”.
Đôi khi có một mức độ nhẹ hơn của vấn đề không nhưng lại ghi thành có trong mục thành tích, đó chính là “thổi phồng” thành tích.
Thổi phồng ở đây là những cái từ rất nhỏ được khuếch trương lên để tạo ấn tượng trong CV. Tuy nó không mang nghĩa rất tiêu cực như bạn khai gian CV, với việc không làm nhưng ghi là làm. Nó lại mang một hiệu ứng sai lệch khác vào lí lịch nghề nghiệp của bạn, đó là sự “nâng tầm bản thân” thông qua các thông tin sai lệch.
Hãy đi từ một ví dụ đơn giản nhất, trong một hạng mục công việc mới, nhà quản lý tạo nên một nhóm hợp tác thực hiện với ba vai trò là “người hỗ trợ”, “người thực thi” và “người dẫn dắt”.
Bạn có thể mường tượng “người dẫn dắt” có vai trò định hướng cho các hoạt động của nhóm đi đến mục tiêu thông qua các kiến thức và thao tác công việc mà “người thực hiện” cung cấp, dưới sự bổ sung thông tin bên ngoài từ “người hỗ trợ”.
Nói một cách khác “người dẫn dắt” có vai trò đầu tàu cho những “người thực hiện” thực thi công việc đúng định hướng, dưới sự trợ giúp thêm từ nhiều vấn đề bên ngoài chuyên môn đến từ “người hỗ trợ”. Việc bạn thay đổi vai trò trong CV từ “người hỗ trợ” thành “người dẫn dắt” sẽ ảnh hưởng lớn đến những gì mà những nhà tuyển dụng đánh giá về bạn.
Có một sự thật đáng buồn rằng không phải cuộc phỏng vấn nào cũng được thực hiện bởi những người có đầy đủ năng lực chuyên môn để đánh giá nhận định năng lực ứng viên.
Phỏng vấn tuyển dụng là một kỹ năng cần liên tục được trau dồi và học tập, và sự thật là không phải nhà quản lý nào cũng tham gia phỏng vấn tuyển dụng thường xuyên. Do đó việc nhận định năng lực ứng viên thông qua CV cũng là một trong các yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quyết định tuyển dụng.
Việc bạn thổi phồng thành tích trong CV quá mức để được nhận vào làm việc tại một vị trí có thể là một thành công ngắn hạn. Nhưng về dài hạn các lỗ hổng về kỹ năng kiến thức sẽ khó được lấp đầy trong một thời gian ngắn, mà thời gian thử việc lại không quá dài.
Do đó, hãy thành thật với những gì mình viết để giúp ích cho cả doanh nghiệp và bản thân của bạn.