Có thực sự bạn phải giỏi ngoại ngữ để làm việc cho công ty nước ngoài? Hàng ngày mọi người vẫn luôn nhấn mạnh vấn đề học ngoại ngữ. Nó được xem như một tấm vé để mở ra cánh cửa đến một thị trường việc làm phong phú đa dạng hơn. Nhưng bạn cần giỏi ngoại ngữ đến mức nào?
Liệu rằng có phải mọi vị trí nào ở các công ty đa quốc gia đều cần ngoại ngữ, hoặc các doanh nghiệp hoạt động trong nước thì không cần? Vấn đề ngoại ngữ để làm gì và cho những vị trí thế nào?
Đầu tiên, nhu cầu (yêu cầu) về ngoại ngữ của một vị trí thực sự xuất phát khi vị trí đó thường xuyên tương tác với các đối lượng lao động và công cụ dụng cụ không phải là Việt Nam.
Để dễ hiểu các bạn có thể tưởng tượng là các cá nhân, đối tác đó không sử dụng được tiếng Việt. Và đến đây các bạn có thể thấy một doanh nghiệp không cần phân biệt vốn đầu tư trong nước hay nước ngoài, miễn có tiếp xúc với các đối tượng hoặc công cụ làm việc, tài liệu nước ngoài thì chuyên môn ngoại ngữ sẽ là một yếu tố bắt buộc.
Đến đây các bạn có thể hình dung ra một số vị trí như Xuất nhập khẩu, Mua hàng quốc tế dù làm cho doanh nghiệp quốc nội cũng rất cần ngoại ngữ.
Ngược lại các vị trí ít khi tiếp xúc với người nước ngoài (hoặc người quản lý nước ngoài biết tiếng Việt) thì dù làm việc tại doanh nghiệp nước ngoài, ngoại ngữ cũng sẽ không là một yếu tố đầu vào bắt buộc.
Về mức độ thông thạo của ngoại ngữ, hiện nay có rất nhiều khóa học khác nhau cùng các chứng chỉ để chứng nhận năng lực ngoại ngữ của một cá nhân. Câu hỏi đặt ra là các bạn sẽ học ngoại ngữ thành thạo đến mức nào để được nhận làm việc tại các vị trí có yêu cầu.
Với ý kiến chủ quan, khi làm việc thực tế trong các doanh nghiệp thì chứng chỉ ngoại ngữ chỉ là một “bằng chứng” xác nhận bạn đạt được một trình độ nhất định về một ngôn ngữ.
Điều này không có nghĩa là chứng chỉ càng cao sẽ càng thông thạo về mặt ngôn ngữ khi làm việc. Ngoại ngữ mà các công ty sử dụng không phải là về học thuật, hay về đời sống giao tiếp xã giao. Đó là ngoại ngữ dùng cho công việc, công sở. Và trong công việc sẽ có rất nhiều từ/cụm từ chuyên môn mà khi bạn tiếp xúc thường xuyên mới có thể nắm bắt và hiểu hết được.
Do đó về khía cạnh học ngoại ngữ, hãy đảm bảo cho bản thân có thể có được một trình độ nhất định đủ để giao tiếp và diễn đạt được các ý tưởng, kinh nghiệm bản thân. Trên hết, việc trau dồi ngoại ngữ chuyên ngành là một nhân tố bắt buộc.
Các bạn nên thường xuyên đọc hoặc tìm các tài liệu về chuyên ngành mình theo đuổi và học từ trong chính các tài liệu đó. Như vậy bạn vừa có được kiến thức, vừa có được khả năng năng cao năng lực ngôn ngữ.
Hãy tránh sa đà vào các điểm số chứng chỉ quá cao nhưng lại bỏ sót đi phần ngoại ngữ chuyên ngành của mình.
Thực tiễn không hiếm những anh chị dù chứng chỉ ngoại ngữ không cao nhưng nhờ liên tục trau dồi kiến thức chuyên môn, ngoại ngữ chuyên ngành mà khi vào công việc bắt nhịp được rất nhanh chóng và hoàn thành tốt công việc được giao.
Ngoại ngữ là một công cụ, cầu nối để làm việc, không phải là đích đến cuối cùng trong sự nghiệp của bạn (trừ những bạn học và làm việc theo đúng chuyên ngành ngoại ngữ như phiên dịch, giáo viên ngôn ngữ,…)
Ngoài ra nếu công việc bạn thực sự cần ngoại ngữ, thì bên cạnh đi học tại Trung tâm hoặc sử dụng các ứng dụng, bạn cần rèn luyện cho mình sự kiên trì và duy trì đều đặn. Ngoại ngữ cần thời gian để tích lũy, trau dồi, và liên tục thực hành. Do đó hãy học sớm nhất khi có thể, kiên trì và đừng trì hoãn.