Bạn đã tìm hiểu về vị trí tuyển dụng ra sao

bạn đã tìm hiểu về vị trí tuyển dụng

Hãy tự kiểm tra bạn đã tìm hiểu về vị trí tuyển dụng như thế nào? Người tìm việc nhưng không thấy việc, và việc tìm người cũng không thấy người, đó là khoảng cách giữa ứng viên và các nhà tuyển dụng.

Một bên có mong muốn có việc làm phù hợp, một bên là có nhu cầu tuyển dụng nhưng không tìm ra ai phù hợp. Công tác tuyển dụng luôn tồn tại sự bất hợp lý như vậy. Và nó khiến rất nhiều bạn phản hồi lại một cách rất gay gắt với các nhà tuyển dụng, nhưng thực sự không ai muốn điều đó xảy ra cả.

Mức độ am hiểu về vị trí tuyển dụng đóng một vai trò rất quan trọng đối với cả hai phía ứng viên và nhà tuyển dụng.

Về phía ứng viên, một số yêu cầu vị trí được viết rất chuẩn chỉnh từ nội dung công việc đến yêu cầu, và trong đó hầu như không có yêu cầu nào bản thân bạn có thể đáp ứng được. Tuy nhiên một số có thể hiểu nhầm, hiểu sai về nội dung và cho rằng mình hoàn toàn phù hợp với vị trí.

Sự phù hợp ở đây được các bạn nhận định với lăng kính kinh nghiệm cá nhân, chưa hẳn thực sự đó là trên lăng kính của doanh nghiệp. Việc các doanh nghiệp mong muốn một điều gì đó về ứng viên thường đôi khi rất mơ hồ hoặc không được mô tả một cách rõ nét.

Do đó sự chung chung này đã khiến ứng viên có những nhận định sai lầm về công tác tuyển dụng của doanh nghiệp. Bạn đã tìm hiểu về vị trí tuyển dụng rất nhiều nhưng đôi khi thực sự lại không hiểu gì về nó. Đó không phải là lỗi của bạn.

Về phía nhà tuyển dụng, mức độ am hiểu vị trí tuyển dụng còn đóng một vai trò quan trọng hơn quyết định đến khoảng cách của ứng viên và công việc.

Vì họ chính là những con người thực hiện chức năng tiếp nhận, sàng lọc và đề xuất đến cho các bộ phận những hồ sơ phù hợp nhất với doanh nghiệp và vị trí yêu cầu. Tuy nhiên một phần vì thâm niên công tác tại doanh nghiệp, một phần do năng lực và kinh nghiệm.

Hẳn các bạn đi làm ai đều cũng sẽ trải qua quá trình từ chưa có kinh nghiệm đến khi trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực nhất định. Và các nhà tuyển dụng cũng không nằm ngoài quy luật đó.

Chúng ta có thể cho rằng nên để những người có dày dặn chuyên môn làm công tác tuyển dụng, nhưng nếu như vậy sau khi những người dày dặn chuyên môn đó ra đi hoặc về hưu, đâu sẽ là đội ngũ kế cận để thay thế họ?

Mỗi vị trí, mỗi công việc đều nên có những cơ hội như nhau. Và nếu thực sự CV của bạn bị đánh trượt vì một nhà tuyển dụng còn non trẻ về kinh nghiệm, hãy luôn lạc quan và tin rằng sẽ có một người khác với chuyên môn tốt hơn nhận ra được sự phù hợp của bạn.

Nhu cầu xuất phát từ các bộ phận và được văn bản hóa thành các thông tin tuyển dụng, qua đó tiếp cận được ứng viên.

Đó là một nguyên nhân khác khiến vấn đề nhà tuyển dụng và ứng viên không hiểu nhau. “Tam sao thất bản”. Nếu một doanh nghiệp cơ cấu nhiều tầng, và thông tin được chuyển tiếp theo thứ tự từng bậc một. Có thể thông tin vị trí tuyển dụng đi từ Giám đốc bộ phận, đến Cấp giám sát, về đến Trưởng phòng tuyển dụng, sau đó phân phối về Nhân viên tuyển dụng.

Và thông tin này sau khi qua nhiều tầng sẽ có nhiều ý kiến đóng góp, sửa đổi, yêu cầu điều chỉnh. Đôi khi Giám đốc bộ phận không nắm toàn bộ công việc chi tiết của vị trí cần tuyển, và Giám sát bộ phận lại không mạnh dạn điều chỉnh lại các yêu cầu tuyển dụng.

Bạn tuyển dụng nhận được không tin và làm ra một tin tuyển dụng dù rất hay nhưng hoàn toàn không ăn nhập gì với công việc thực tế và yêu cầu của vị trí đó. Và do đó các hồ sơ sau khi sàng lọc đưa lên cho Bộ phận đều bị trả về với lí do “không phù hợp”. Đây không phải là một câu chuyện do tôi tưởng tượng.

Một số vị trí chức danh yêu cầu nhà tuyển dụng phải thực sự hiểu, có thời gian nhất định làm việc tại doanh nghiệp và có tư duy nhanh nhạy với thị trường lao động.

Hiểu được thị trường lao động là việc tối quan trọng trong cả việc tuyển dụng nhân sự, tìm kiếm công việc, và thương thảo mức lương. Và khi thị trường không được am hiểu một cách cẩn thận, các nhà tuyển dụng dễ đi vào con đường tìm kiếm một ứng viên không hề tồn tại trong khu vực thị trường tuyển dụng mục tiêu của mình.

Họ có thể mở rộng sang các thị trường nhân lực mục tiêu khác ở xa hơn, nhưng không gì có thể đảm bảo được thị trường đó cũng đáp ứng được hoàn toàn những yêu cầu tuyển dụng có phần phi hợp lí của họ.

Và mặc dù đôi khi bạn hiểu rõ một vị trí tuyển dụng hơn cả nhà tuyển dụng, nếu bạn thực sự có kinh nghiệm sâu trong lĩnh vực đó, bạn vẫn có thể không nằm trong danh sách sàng lọc cuối cùng để tham dự phỏng vấn.

Một giải pháp được đưa ra cho các vấn đề trên đó là liên tục điều chỉnh thông tin tuyển dụng của vị trí để phù hợp hơn với nguồn cung thị trường.

Chúng ta chỉ có thể tuyển được những gì mà thị trường lao động đang sở hữu, tồn tại. Và một tin tuyển dụng được đăng tải hay điều chỉnh nhiều lần trong một khoảng thời gian cho thấy, dường như các nhà tuyển dụng đang trở nên lúng túng với những gì họ cho là thị trường lao động có. Và đang có những sự thay đổi quan niệm về mặt tuyển dụng, điều chỉnh lại để phù hợp hơn với nguồn cung ứng viên.

Do vậy việc một vị trí chức danh đăng tuyển có thể điều chỉnh một vài lần không hề là một tín hiệu xấu, ngược lại nó cho thấy bạn vẫn còn cơ hội cho vị trí đó.

Bạn không thể quyết định một doanh nghiệp có các nhà tuyển dụng giỏi, nhưng bạn hoàn toàn có thể tự tin vào năng lực của bản thân và tìm hiểu kỹ một vị trí khi ứng tuyển. Rồi sẽ có nhà tuyển dụng tìm thấy bạn giữa rất nhiều ứng viên. Vì bạn phù hợp

Scroll to Top