Những nhu cầu tuyển dụng thay đổi là một trong số các nguyên nhân khiến cho việc tuyển dụng ứng viên trở nên rất khó khăn. Người tìm việc không nhận được thông tin chính xác và những người làm nhân sự không chủ động được trong công tác truyền thông thông tin tuyển dụng.
Việc thay đổi nhu cầu tuyển dụng nhìn thấy rõ nhất trong thời điểm diễn ra đại dịch Covid 19, tại các doanh nghiệp bị dịch bệnh làm ảnh hưởng nhiều. Vậy một nhu cầu tuyển dụng cơ bản sẽ bao gồm những gì có thể thay đổi?
Nội dung bài viết
Nhu cầu tuyển dụng thay đổi chức danh vị trí
Chức danh vị trí tuyển dụng là yếu tố đầu tiên và tiên quyết, quyết định mọi nhân tố theo sau.
Mỗi công việc chức danh khác nhau sẽ có nội dung công việc cần thực hiện khác nhau, và kéo theo đó là yêu cầu về các kỹ năng, kinh nghiệm, học vấn cần để đáp ứng được công việc. Một chức danh hiếm khi thay đổi trong công tác tuyển dụng. Nó chỉ thực sự thay đổi khi tình trạng doanh nghiệp gặp phải những sự thay đổi mang tính đột xuất không dự đoán trước được.
Dễ thấy nhất là trong đại dịch Covid19, một số vị trí có thể đăng tuyển nhưng lại không tuyển dụng được nhân sự do sự đứt gãy về chuỗi cung ứng, áp lực về mặt đảm bảo sức khỏe cho người lao động cũng như sự khan hiếm về nguồn cung nguyên vật liệu ở một số ngành sản xuất.
Điều này khiến cho một số doanh nghiệp có thể giảm sản lượng, cắt giảm bớt nhân sự và tiến hành kiêm nhiệm thêm công việc ở một số nhóm vị trí văn phòng, hỗ trợ. Và với sự thay đổi này dễ thấy là việc chức danh trở nên thay đổi và bản chất công việc cũng trở nên đa năng, đa nhiệm hơn.
Đó là với một số doanh nghiệp chịu sự ảnh hưởng lớn từ đại dịch, và buộc phải thu hẹp quy mô. Một ví dụ về việc không thể dự báo trước được môi trường kinh doanh sẽ thay đổi.
Nhu cầu tuyển dụng thay đổi thời gian
Thay đổi thời gian yêu cầu tuyển dụng cũng là một nhân tố phổ biến của công tác tuyển dụng nhân sự.
Giả định rằng trong tháng này doanh nghiệp cần nhân sự để triển khai một công việc, nhưng vì lí do tiến độ chậm nên có thể lui sang một, thậm chí là hai hoặc ba tháng sau mới bắt đầu tổ chức phỏng vấn tiếp nhận nhân sự.
Việc lập kế hoạch và theo sát, điều chỉnh thường xuyên tại các doanh nghiệp vẫn là một câu chuyện hóc búa và khiến các nhà quản lý đau đầu. Sẽ như thế nào nếu bạn đọc được thông tin tuyển dụng và ứng tuyển nhưng lại không thấy hồi âm về việc phỏng vấn.
Đừng vội bi quan về việc bạn không phù hợp với doanh nghiệp. Cũng không nên nghĩ rằng chắc doanh nghiệp chỉ đăng tuyển để PR công ty. Hãy tin rằng còn có một khả năng khác là kế hoạch về công tác nhân sự đang có sự thay đổi, và biết đâu sau một vài tháng bạn sẽ được liên hệ lại.
Trong suốt quá trình tìm kiếm việc làm, sẽ có những trường hợp ứng tuyển và sau một hoặc thậm chí là hai tháng mới nhận được cuộc gọi hẹn phỏng vấn. Đó không hẳn là do HR không chuyên nghiệp, mà đôi lúc chỉ là một tính toán lệch về kế hoạch so với thực tiễn tại doanh nghiệp mà thôi.
Hãy tiếp tục lấy ví dụ về Covid19, khi mà tình trạng giãn cách xã hội tại các địa phương là không thể nào tính toán được. Điều này có ảnh hưởng đến thời gian yêu cầu tuyển dụng tại các doanh nghiệp hay không? Có thể là có và thậm chí là ảnh hưởng rất lớn nữa.
Yêu cầu nội dung công việc thay đổi
Thay đổi yêu cầu nội dung công việc dẫn đến thay đổi yêu cầu vị trí.
Đây là một sự thay đổi mang tính nhức nhối nhất và ảnh hưởng lớn nhất đến cả công tác tuyển dụng và trạng thái tìm việc làm của người lao động. Các thay đổi về nội dung công việc dẫn đến hình thành nên các mô tả công việc mới hoặc cập nhật lại mô tả công việc cũ.
Nếu sự thay đổi này mang tính chuyên môn hóa hơn sẽ buộc các ứng viên đầu tư chuyên sâu hơn vào một mảng công việc nhất định. Ngược lại nếu sự thay đổi đa dạng về nội dung công việc hơn, người lao động lại buộc phải cập nhật thêm nhiều kiến thức mở rộng hơn liên quan đến công việc mà mình đang làm.
Điều này không chỉ làm bối rối cho những người lao động tìm việc mà còn đến cả những nhà tuyển dụng. Thực tế doanh nghiệp càng lớn thì sự chuyên môn hóa càng sâu, nhưng dường như sự chồng chéo về mặt chức năng, các doanh nghiệp mong muốn sự đa năng hơn ở nhân viên để có thể kiêm nhiệm một số công việc.
Trong hoàn cảnh khó khăn hoặc thiếu nhân sự, lực lượng lao động bị mất việc trong thời kỳ dịch bệnh nếu không chuyển hướng tự kinh doanh sẽ học hỏi thêm các kiến thức kỹ năng mới,… Những điều trên khiến tương lai cho công tác tuyển dụng lẫn khả năng giữ được công việc của người lao động ngày càng trở nên khó khăn.
Thích ứng với những thay đổi không thể dự báo, các doanh nghiệp chuyển đổi sang các mô hình linh hoạt hơn, đa năng hơn và nhân sự cũng nằm trong số đó.
Xu hướng học tập suốt đời
Trong những nguyên nhân khiến cho các nhà tuyển dụng và ứng viên có khoảng cách nhất định với nhau và khó khi nào có thể tìm được nhau đúng thời điểm, sự thay đổi nhu cầu tuyển dụng đóng một phần nguyên nhân rất lớn.
Với sự phát triển không ngừng của công nghệ, ảnh hưởng của dịch bệnh và sự toàn cầu hóa ngày càng trở nên mạnh mẽ, thông tin được minh bạch rõ ràng và dễ tìm kiếm hơn, việc luôn cập nhật kiến thức và các xu hướng trở nên một phần rất quan trọng để cạnh tranh được một vị trí việc làm như mong muốn.
Các xu thế tương lai có thể không được dự báo chính xác nhưng khuynh hướng “học tập suốt đời” sẽ là một định hướng luôn đúng cho mọi người, mọi ngành nghề trong thị trường lao động.