Khái niệm talent pool xuất hiện trong công tác tuyển dụng nhân sự. Tùy vào cách triển khai và cách hiểu của từng doanh nghiệp mà mỗi nơi sẽ triển khai một cách khác nhau, hoặc đôi khi không áp dụng.
Khái niệm Talent pool
Về cơ bản, Talent pool là một danh sách về các đối tượng, các ứng viên có khả năng phù hợp với doanh nghiệp.
Một danh mục nhân tài gồm những gì, đó tùy thuộc vào doanh nghiệp quyết định. Các thông tin về các trường dữ liệu của ứng viên như năm sinh, chuyên ngành, khu vực địa lí, kinh nghiệm, hình thức làm việc (bán thời gian, toàn thời gian,…)… sẽ quyết định mức độ phức tạp của các biến dữ liệu của ứng viên.
Sử dụng talent pool khiến doanh nghiệp chủ động được rất nhiều trong công tác tuyển dụng nhân sự. Tuy nhiên, việc tìm kiếm nguồn ứng viên cho kho dữ liệu này là khá khó khăn.
Có thể kể đến một số nguồn phổ biến như: những nhân viên đã từng làm việc tại công ty, các thực tập sinh, các bạn học việc, những người lao động đang tìm kiếm việc làm trên thị trường ở lĩnh vực công ty hoạt động, thậm chí là cả những ứng viên trước đây đã phỏng vấn và bị loại cũng rất đáng để cân nhắc.
Ngoài ra nếu thực sự doanh nghiệp muốn chủ động cho công tác tuyển dụng thì nguồn lực lao động bên ngoài đang tìm kiếm việc làm vẫn luôn là một đối tượng đáng để theo đuổi thu thập dữ liệu.
Mặt trái của Talent pool
Talent pool khiến cho công tác tuyển dụng trở nên chậm vì mục đích của nó dường như hướng nhiều hơn đến thu thập dữ liệu.
Đây chính là một vấn đề. Trước đây khi các nhà tuyển dụng xin thông tin liên hệ của bạn, hoặc chủ động liên hệ với bạn, nhiều khả năng là do họ thực sự đang tìm kiếm những nhân tài phù hợp cho doanh nghiệp. Công tác tuyển dụng nhân sự trước đây gắn liền với việc đăng tin tuyển dụng, sàng lọc hồ sơ, phỏng vấn,… và thường đi theo sau nhu cầu tuyển dụng lao động.
Với sự thay đổi từ nhiều yếu tố đến từ công nghệ, thị trường lao động khan hiếm các ứng viên giàu phẩm chất, tài năng và kinh nghiệm, hay áp lực tuyển dụng ngày càng cao về mặt tiến độ, talent pool là một cứu cánh và trợ thủ đắc lực cho những người làm công tác nhân sự.
Do đó việc thu thập dữ liệu không có nghĩa rằng họ đang thực sự thiếu hụt nhân sự. Sẽ không ngạc nhiên khi bạn chỉ rơi vào đối tượng của nhà tuyển dụng để đưa vào talent pool chứ không phải để hẹn phỏng vấn trao đổi công việc. Và các cơ sở dữ liệu kiểu như vậy thường có một số lượng ứng viên tương đối, được cập nhật và bổ sung đều đặn.
Vậy nếu các bạn ứng tuyển và không được hẹn phỏng vấn thì ngoài những câu chuyện trước đây chúng ta thường hay nghĩ là do mình không phù hợp, bây giờ đã phát sinh thêm một khả năng mới. Có thể bạn phù hợp với một vị trí khác nhưng doanh nghiệp chưa có nhu cầu tuyển dụng, hoặc có một ứng viên khác phù hợp hơn bạn nhưng hồ sơ bạn vẫn rất xứng đáng để được lưu lại cho các cơ hội sau này.
Trong nhịp độ cuộc sống ngày càng trở nên nhanh, khi mà chúng ta chỉ đọc tin hay lướt các trang báo, trang mạng trong phút chốc, tuyển dụng dường như đang có một xu hướng ngược lại là trở nên chậm hơn, nhưng lại chủ động hơn.
Talent pool không có nghĩa sẽ tạo ra các tin tuyển dụng “rác” chỉ nhằm mục đích thu thập dữ liệu. Vì mục đích cuối cùng của việc thu thập đó cũng chỉ là tìm ra ứng viên phù hợp với doanh nghiệp mà thôi. Nó chỉ góp phần hạ thấp áp lực tuyển dụng, hướng đến sự chủ động hơn cho doanh nghiệp.
Sẽ không ngạc nhiên khi bạn ứng tuyển vào một doanh nghiệp mà rất lâu sau đó người ta lại liên hệ lại hỏi thăm bạn. Vì bạn đã là một đối tượng được lưu trữ thông tin. Và có lẽ rằng, khi các ứng viên phù hợp trên Talent pool của họ không còn nữa, hoặc không ai muốn thay đổi công việc, thì đăng tin tuyển dụng mới là giải pháp cuối cùng được lựa chọn.
Phải chăng, sẽ ngày càng ít tin tuyển dụng nhân sự ở các doanh nghiệp có đầu tư hệ thống nhân sự, khi mà Talent Pool ngày càng được làm đầy và phong phú. Công việc tuyển dụng chuyển từ đợi ứng viên nộp hồ sơ sang chủ động liên hệ với các đối tượng phù hợp trong dữ liệu?