Không tìm được việc làm, không hẳn do bạn

không tìm được việc làm

Không tìm được việc làm, nộp hồ sơ không ai gọi, đã rải hồ sơ đi nhiều nơi nhưng chưa thấy cơ hội. Mặc dù bạn đã chuẩn bị một CV thật tốt và lựa chọn được một công việc phù hợp trong khả năng để ứng tuyển. Không hẳn lí do đến từ bạn.

Vị trí đó liệu có đăng tuyển nhiều lần

Khủng hoảng đại dịch Covid 19 khiến một số lượng lực lượng lao động mất việc làm. Một số may mắn tìm được cho mình ngay một công việc khác, nhưng sẽ có một nhóm khác vẫn loay hoay tìm kiếm một cơ hội mới cho mình.

Đó có thể là tự kinh doanh, chuyển sang một lĩnh vực mới và học hỏi thêm các kiến thức, hay vẫn kiên trì với con đường định hướng sự nghiệp trước đây. Trong giai đoạn này liệu có khi nào các bạn thấy một doanh nghiệp đăng tin tuyển dụng cùng một vị trí, nhưng nhiều lần ở nhiều thời điểm khác nhau hay không.

Câu trả lời có thể là có, thậm chí rằng không cần khủng hoảng đại dịch mà vào các thời kỳ kinh tế phát triển tốt, không hiếm các trường hợp một vị trí được đăng tuyển đi đăng tuyển lại.

Sở dĩ nhấn mạnh yếu tố Covid 19 vì số lượng người lao động mất việc làm nhiều hơn và theo dõi tin tuyển dụng nhiều hơn, thì hiện tượng một vị trí đăng tuyển nhiều lần sẽ giúp chúng ta dễ quan sát hơn mà thôi.

Việc đăng tuyển nhiều lần một vị trí tại một doanh nghiệp cần đi sâu vào phần thời điểm và nội dung của tin đăng tuyển dụng.

Thời điểm tuyển dụng

Yếu tố thời điểm được nhắc đến bởi nếu một vị trí cứ cách một hoặc hai tháng lại được xuất hiện trên các bản tin tuyển dụng, nhiều khả năng vì vị trí đó vẫn chưa tìm được người phù hợp. Hoặc ứng viên làm việc trước đó không phù hợp công việc và không trở thành nhân viên chính thức công ty.

Dù bất cứ lí do là gì thì việc một nhân sự không tiếp tục làm việc nữa làm nảy sinh ra một vị trí tuyển dụng. Vẫn có những trường hợp khác là công ty mở rộng quy mô và tuyển liên tục để đáp ứng với nhu cầu sản xuất kinh doanh.

Dù là lí do gì các bạn hãy lưu ý thật kỹ số lượng mà doanh nghiệp cần tuyển dụng. Giữa thời điểm tuyển và số lượng tuyển khi phân tích sâu vào mối quan hệ này, các bạn có thể phán đoán được lí do của việc tuyển dụng phần nào.

Nội dung tuyển dụng

Một yếu tố mà chúng ta có thể phân tích nữa là nội dung của tin đăng tuyển dụng. Một nội dung thống nhất và thường xuyên đăng tuyển thì có khả năng cao là ứng viên của vị trí đó rất khó tuyển dụng, “tìm mãi không ra”. Nhưng nếu cũng một vị trí nhưng nội dung công việc có sự khác nhau, thì lúc này lại có hai khả năng.

Một khả năng đầu tiên là vị trí đó được nhiều người đảm nhận và mỗi người chỉ thực hiện một phần hành công việc tương đối, không phải là toàn bộ. Do đó cùng một vị trí nhưng nội dung công việc không giống nhau. Cũng có thể là công việc của vị trí đó đến thời điểm đăng tuyển các đợt sau đã có sự thay đổi về mặt bản chất.

Cũng có khi cũng là vị trí đó nhưng ở một tổ khác, một nhóm khác. Nội dung tuyển dụng khác nhau sẽ cho các bạn các cơ hội khác nhau, và dù một chức danh nhưng với nội dung công việc khác nhau, sẽ đi kèm với những yêu cầu khác nhau về mặt nhân sự.

Đôi khi chúng ta chỉ ứng tuyển một vị trí một lần nhưng không thành công và sau đó loại bỏ hẳn nó ra khỏi danh sách ứng tuyển của mình. Nhưng cuộc sống là luôn thay đổi, công việc và các nội dung công việc cũng luôn có sự vận động.

Hôm nay chúng ta không phù hợp không có nghĩa là sau này vẫn sẽ như vậy. Vậy nên không cần quá kỳ vọng về một vị trí công việc để nhận quá nhiều thất vọng, nhưng cũng không bao giờ từ bỏ đi những mối quan tâm và đam mê nghề nghiệp theo định hướng của bản thân.

Cơ hội rồi sẽ luôn đến cho mọi người, miễn là bản thân luôn có sự cố gắng và cập nhật liên tục.

Phán đoán của nhà tuyển dụng về mức độ phù hợp

Lâu nay chúng ta vẫn được đọc những bài báo về các tips (mẹo) để hồ sơ được chú ý, các kỹ thuật phỏng vấn, hay các tư vấn về việc nên chuẩn bị như thế nào để trả lời câu hỏi phỏng vấn, nên ăn mặc trang phục ra sao,.. Những gì được đề xuất hoàn toàn có nội dung và ý tưởng rất tốt.

Không có sự hoàn hảo

Chính vì quá tốt, quá hoàn hảo nên dường như toàn bộ các hướng dẫn đó đã quên mất một khía cạnh khác về công tác tuyển dụng ứng viên. Đó là thực sự cả người tìm việc và người tuyển dụng tìm thấy nhau một cách nhanh chóng khi và chỉ khi cả hai đều “tốt”, đều gặp nhau đúng thời điểm.

Bỏ qua những mặt hạn chế, những gì ứng viên thiếu kinh nghiệm hoặc không chuẩn bị tốt. Một góc nhìn khác chúng ta có thể thừa nhận thẳng thắn rằng sẽ có những nhà tuyển dụng tốt và những nhà tuyển dụng chưa tốt.

Tất cả mọi lý thuyết hay các mẹo hoàn toàn hữu dụng trong một thế giới hoàn hảo. Một thế giới mà ai cũng thực hiện tốt công việc của mình, và chưa kể là có một số tiêu chí được giả định là luôn luôn đúng. Một nhà tuyển dụng nếu chưa tốt liệu có ảnh hưởng gì đến việc bạn tìm việc làm hay không?

Tất nhiên là có, có ảnh hưởng rất nhiều nữa.

Bỏ qua CV phù hợp

Yếu tố đầu tiên của một nhà tuyển dụng không tốt đó là họ bỏ qua CV của bạn mặc dù bạn hoàn toàn phù hợp với công ty. Đó là một sự thật mà có thể các bạn sẽ thấy làm ngạc nhiên.

Căn bản vì khi bạn gửi hồ sơ vào một email hoặc trang web thì người nhận đa phần đều sẽ là những nhà tuyển dụng. Sau khi nhận các hồ sơ họ sẽ tiến hành sàng lọc trước khi gửi một số lên cho các quản lý bộ phận kiểm tra lại và sắp xếp phỏng vấn. Và một nhà tuyển dụng non kinh nghiệm hoặc chưa hiểu biết về doanh nghiệp hoàn toàn có thể sàng lọc sai hoặc để lọt ứng viên.

Nhận định chủ quan

Yếu tố thứ hai là những nhận định của họ về hồ sơ của bạn sẽ có phẩn chủ quan và không phản ánh được toàn bộ những gì bạn đã làm được. Vì họ đâu có làm trong doanh nghiệp trước đây bạn đã làm đâu chứ. Đó là một nhân tố rất quan trọng.

Mô tả công việc với các yêu cầu tuyển dụng dường như đóng khung tư duy một số người làm nhân sự, khiến họ sẵn sàng loại ngay những yếu tố trong CV của bạn không thể hiện. Có thể vì bạn biết, bạn có nó và mặc định là người đọc sẽ hiểu chứ không cần ghi ra quá chi tiết.

Tin buồn cho bạn là những gì bạn biết, bạn hiểu chưa chắc người khác đã đọc và đã hiểu nổi.

CV của bạn khó hiểu

Một nhà tuyển dụng chưa tốt còn không thể đào sâu được vào khai thác nội dung mà bạn chia sẻ ở CV. Với tiêu chí mặc định được đưa ra lâu nay là một CV nên ngắn gọn, súc tích và có độ dài vừa phải. Nó trở thành một tiêu chuẩn và khiến nhiều bạn chắt chiu, hạn chế sử dụng từ ngữ hơn để các nhà tuyển dụng không bị quá tải về mặt thông tin.

Tuy nhiên những gì quan trọng, chúng ta cần đưa vào một cách đầy đủ và không cần cắt xén bớt sao cho “CV có độ dài … trang” như theo quan niệm lâu nay. Vấn đề ở đây thực sự không phải là chiều dài của CV mà là những gì bạn viết trong đó có thực sự là tinh túy nhất, đầy đủ nhất và ngắn gọn nhất hay không.

Một số nhà tuyển dụng sẽ không thể nào phán  đoán được nội dung mà bạn chia sẻ nếu bạn đã lược bỏ đi quá nhiều thông tin, mặc định nhà tuyển dụng tự hiểu, hoặc giả định là nhà tuyển dụng hiểu rõ công ty trước đây bạn làm việc.

Bạn tin rằng nếu thông tin không rõ ràng, không thể đào sâu nội dung, nhà tuyển dụng sẽ chủ động liên hệ bạn để yêu cầu bạn bổ sung, hoặc đơn giản hơn là làm rõ hơn nội dung? Đó là chỉ khi chỉ có mỗi bạn ứng tuyển cho vị trí đó mà thôi.

Nếu có một sự lựa chọn khác không hẳn tốt hơn bạn nhưng họ hiểu về CV ứng viên đó nhiều hơn bạn, có lẽ bạn đã đi vào ô mất lượt.

Kiểm tra lại CV của mình

Chúng ta không thể quyết định một doanh nghiệp có nhà tuyển dụng tốt hay không, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể chủ động được mình là ứng viên tốt. Đó là việc hãy cố gắng thể hiện bản thân tốt nhất trong CV của mình.

Hãy giúp các nhà tuyển dụng dù còn non nớt kinh nghiệm nhưng khi đọc CV của bạn vẫn có thể nhận ra rằng bạn chính là người phù hợp. Bằng cách chia sẻ những thông tin về bản thân ngắn gọn nhất nhưng đầy đủ nhất, khiến người đọc dễ hình dung nhất về bạn, bạn đã góp phần làm cho cơ hội tìm kiếm việc làm của mình được nâng cao hơn rất nhiều.

Vị trí đã đóng nhưng chưa cập nhật

Một trong những nguyên nhân khác làm cho bạn ứng tuyển vào một vị trí nhưng chờ mãi không thấy phản hồi. Bạn chờ mãi cuộc gọi từ phía công ty nhưng không nhận được, và bạn thầm nghĩ rằng vị trí này không phù hợp với mình. Tuy nhiên có vẻ hơi vô lí vì những gì mô tả và yêu cầu công việc có rất nhiều điểm bạn đáp ứng được.

Bạn cho rằng bộ máy tuyển dụng của doanh nghiệp có vấn đề, hoặc có những mối quan hệ nào đó mới có thể vào làm việc tại doanh nghiệp. Tất cả những gì bạn suy nghĩ có thể hoàn toàn đúng. Nhưng vẫn còn một nguyên nhân khác, vị trí tuyển dụng đó đã đóng nhưng chưa được cập nhật.

Doanh nghiệp sớm tìm được người phù hợp

Một vị trí tuyển dụng bị đóng đến từ việc doanh nghiệp đã tìm ra người. Hôm nay có thể bạn không phải là người đầu tiên đọc được tin tuyển dụng của doanh nghiệp, và chắc chắn cũng sẽ không là người duy nhất đang tìm kiếm việc làm.

Trong các thời kỳ kinh tế khó khăn, việc làm ít và số lượng tìm việc nhiều, việc ứng tuyển càng sớm sẽ càng mang lại nhiều cơ hội. Bạn đang chần chừ và phân tích có nên nộp ngay lúc này hay không, hoặc đợi một lúc nào khác để tìm hiểu thêm thông tin hoặc xem phúc lợi doanh nghiệp có ổn không.

Việc này hoàn toàn hợp lý và là một chiến thuật tốt cho những ai tìm việc thụ động – những người có việc làm nhưng mong muốn tìm cơ hội khác tốt hơn. Nhưng trong lúc đó, một bộ phận thất nghiệp đang có nhu cầu tìm kiếm thu thập sẽ không hề chần chừ trước các cơ hội. Họ có thể ứng tuyển trước – tìm hiểu sau.

Trong số họ có khá nhiều người có năng lực rất tốt. Vậy là họ được chọn lựa và cũng là lí do khiến bạn không nhận được đề nghị nào. Vậy nên nếu thấy một vị trí khá phù hợp với bạn, hãy tìm kiếm thật nhanh những thông tin bạn quan tâm và ứng tuyển sớm.

Thời gian ứng tuyển của bạn càng sớm bao nhiêu, cơ hội việc làm của bạn càng được gia tăng bấy nhiêu.

Doanh nghiệp không còn nhu cầu tuyển dụng

Doanh nghiệp không còn nhu cầu tuyển dụng vị trí đăng tuyển. Đây là lí do thứ hai về việc bạn không được hẹn phỏng vấn. Lí do này nghe khá đuối nhưng là một trong những lí do mà tôi tin rằng sẽ xuất hiện khá nhiều trong bối cảnh khủng hoảng. Đặc biệt như cuộc khủng hoảng từ đại dịch covid.

Khi mà các quốc gia thường xuyên cập nhật các đối sách chống lại dịch bệnh, nhu cầu các thiết bị điện tử tăng cao vì người dân ở nhà nhiều hơn, chuỗi cung ứng đứt gãy khiến cho việc dự đoán nhu cầu sản xuất, hoạt động kinh doanh khó hơn bao giờ hết.

Mọi dự đoán dài hạn trong bối cảnh này trở nên rất mong manh, vì không ai có thể dự đoán được tình hình dịch bệnh một cách chính xác, cũng như các biện pháp thực thi chống lại nó. Việc thiếu nguồn nguyên vật liệu, nhu cầu khách hàng thay đổi, khó khăn trong đi lại vận chuyển,.. khiến một số doanh nghiệp thay đổi tình trạng hoạt động thường xuyên, và việc đăng tuyển hôm nay không có nghĩa nó sẽ còn được áp dụng cho ngày mai.

Công tác tuyển dụng trở nên năng động hơn, dè dặt hơn, không phải vì sợ dịch bệnh mà sợ những gì nó có thể mang lại ảnh hưởng tiêu cực tới sự nghiệp tương lai của nhiều vị trí.

Thời gian tuyển dụng thay đổi

Thời gian tuyển dụng được dời vào một lúc nào đó khác cũng khiến bạn nộp hồ sơ nhưng không được gọi. Tuy nhiên, đây có thể lại là một mặt tích cực. Ít nhất nhu cầu tuyển dụng của vị trí không hề mất đi, nó chỉ chuyển sang một mốc thời gian khác.

Thậm chí, một số nhà tuyển dụng còn thực hiện công tác đăng tuyển sớm một vị trí trước kế hoạch vài tháng. Việc làm này nhằm chủ động được nguồn nhân lực, có nhiều cơ hội để có các ứng viên tốt hơn, và ngoài ra cũng để tránh được sự khan hiếm lao động.

Tuy nhiên việc đăng tuyển “dự trù” này có thể là một hành động vô nghĩa nếu vị trí đó đang rất khan hiếm ở thị trường nhân lực, đến mức chỉ cần bạn gửi CV lên sẽ có ngay người liên hệ sắp xếp công việc.

Thực tế thì việc bạn ứng tuyển vào một vị trí nhưng không được liên hệ không phải là một vấn đề gì quá nghiêm trọng. Nó không cho thấy là bạn không đủ chuyên môn, năng lực chưa tốt hay bất cứ vấn đề nào.

Chỉ đơn giản là tại thời điểm đó, có lẽ bạn chưa có duyên với doanh nghiệp mà thôi. Và biết đâu một thời điểm khác, sau một khoảng thời gian khác, bạn sẽ là người được chọn.

Năng lực của nhà tuyển dụng

Một chủ đề rất nhạy cảm và có thể bị khá nhiều người làm tuyển dụng đánh giá, nhưng nên có một vài chia sẻ về công tác tuyển dụng. Những gì lâu nay bạn đọc được về top các doanh nghiệp có môi trường làm việc lí tưởng, những công ty có môi trường làm việc tốt nhất,…

Tham khảo những thông tin đó thực sự có giá trị, nhưng nó chỉ phơi bày ra những mặt sáng mà thôi. Và sáng tối sẽ luôn là hai khía cạnh của một vấn đề, cũng như trong 24 giờ luôn có ngày và đêm. Và mặt tối nằm ở khía cạnh nhà tuyển dụng.

Làm rõ khái niệm “nhà tuyển dụng”. Nó bao gồm cả những chuyên viên nhân sự làm công tác tuyển dụng tại doanh nghiệp, lẫn các trưởng bộ phận/phòng ban có nhu cầu tuyển nhân sự (còn gọi là Hiring Manager).

Lỗi do người làm nhân sự

Lỗi đầu tiên thuộc về chính các chuyên viên làm công tác nhân sự. Những người này thực hiện công tác đầu vào, tiếp nhận hồ sơ ứng viên và kiểm tra sàng lọc đầu tiên. Do đó để đến được vòng phỏng vấn thì hầu hết các ứng viên phải qua được bước sàng lọc của các chuyên viên tuyển dụng. Và đây chính là vấn đề.

Sẽ như thế nào nếu người làm nhân sự sàng lọc để lọt ứng viên tốt, mang các CV kém chất lượng vào doanh nghiệp. Sẽ thế nào nếu việc sàng lọc hồ sơ được thực hiện bởi những bạn làm tuyển dụng chưa có kinh nghiệm và không qua bước kiểm tra lại của cấp trên.

Thoạt nhiên các bạn nghe có vẻ rất vô lí và kỳ quặc. Phòng nhân sự, một số nơi khác gọi là phòng cơ cấu và tổ chức,… sao lại có thể kém chuyên nghiệp như vậy. Nhưng ai cũng phải đi từ vị trí thấp đến vị trí cao. Dù là các chuyên viên nhân sự thì cũng sẽ đi từ giai đoạn mới ra trường cho đến khi tích lũy đủ kinh nghiệm.

Nếu CV của bạn được một bạn có đầy đủ năng lực chuyên môn thẩm định, thật tuyệt vời. Nếu CV của bạn do một bạn mới tinh vừa ra trường và làm việc tại doanh nghiệp chưa lâu, khả năng hôm nay bạn chưa thực sự may mắn.

Một số bạn sẽ có thể phản biện lại rằng vẫn có rất nhiều bạn trẻ vừa ra trường làm việc tại các doanh nghiệp lớn ở vai trò nhân sự, rằng những gì được viết là không chính xác. Vậy các bạn hãy xem thử các doanh nghiệp đó tiêu chí tuyển dụng dựa trên chuyên môn hay chỉ cần thái độ và giao tiếp tốt, … những điều mà có thể bạn không cần một chuyên môn nào, chỉ cần EQ tốt là có thể cảm nhận được.

Thực tế thì nhiều doanh nghiệp có thể khắc phục được điều này bằng cách cho một người có kinh nghiệm kèm cặp một bạn trẻ. Bằng việc sàng lọc kiểm tra lại lần thứ hai, xác suất chọn lọc hồ sơ không phù hợp vào doanh nghiệp sẽ giảm, nhưng nó sẽ không tránh được việc bỏ lọt hồ sơ. Vì chẳng có ai đi lục lại toàn bộ data dữ liệu, mà chỉ kiểm tra lại những gì các bạn nhân sự trẻ gửi lên nhờ kiểm tra lại mà thôi.

Lỗi từ bộ phận cần tuyển người

Một lỗi khác khiến bạn không được chọn làm việc tại một doanh nghiệp, chính là đến từ những người muốn tuyển dụng bạn vào làm việc – trưởng bộ phận, phòng ban đang có nhu cầu tuyển nhân sự.

Sẽ thật phiến diện nhưng rất thực tế, rằng không phải 100% những người quản lý đều có khả năng đọc CV hoặc biết cách phỏng vấn tuyển dụng. Và khi họ đọc thông tin CV không chuẩn, họ đã bỏ sót hoặc từ chối phỏng vấn một ứng viên tiềm năng.

Việc đặt ra một câu hỏi không phù hợp trong buổi phỏng vấn cũng giống như sự đánh đố trong các kỳ thi, vì thực tế công việc bạn xử lý và câu hỏi nếu không có sự liên hệ, ai có thể dám chắc rằng bạn trả lời tốt nhưng vào công việc làm có tốt được hay không.

Chuyên môn của các nhà quản lý đôi khi sẽ chuyên sâu một mảng nhất định, họ có thể không làm qua mọi vị trí trước khi được thăng cấp. Vấn đề này phát sinh một lổ hổng chuyên sâu về chuyên môn nghiệp vụ của một số vị trí nhất định. Và do đó thật khó để phán đoán hay nhận định được rằng những gì ứng viên phản hồi có thực sự là phương án tốt nhất hay chưa.

Gu về mặt tuyển dụng con người cũng sẽ là một hạn chế làm bạn dù rất phù hợp nhưng không thể làm việc tại doanh nghiệp. Có rất nhiều nhà quản lý chọn nhân viên có quan tâm nhiều đến tính cách, con người,… chứ không chỉ chuyên môn.

Thậm chí đôi khi họ chọn những người cảm thấy có thể dễ làm việc cùng, hoặc hao hao người trước đây từng làm rất tốt. Họ không có gì sai với lựa chọn của mình, nhưng những quyết định đó có làm bỏ sót ứng viên tốt hay không, thì không ai có thể kết luận được.

Hãy tin rằng khi bạn tìm việc, không phải do bạn không tốt khi chưa nhận được một công việc, mà đâu đó còn rất nhiều yếu tố khách quan, chủ quan khác ảnh hưởng đến bạn.

Scroll to Top