Văn hóa công sở, phòng ban và con người

văn hóa công sở

Trong môi trường làm việc, văn hóa công sở được tạo nên từ đâu và làm thế nào để cùng nhau phát triển?

Văn hóa công sở phòng ban và mô típ làm việc

Không chỉ công ty mà mỗi phòng ban làm việc có những đặc điểm rất khác nhau và văn hóa công sở khác nhau.

Mặc dù họ cùng làm việc trong một tổ chức, cùng có một giá trị văn hóa chung, nhưng không khó để những ai đang làm việc nhận ra rằng bộ phận làm việc ảnh hưởng lớn đến cách mà các cá nhân tương tác và hành vi trong công việc.

Một trong các nhân tố chi phối đến văn hóa làm việc của phòng ban chính là yếu tố con người.

Có thể nói con người là nhân tố cốt lõi ảnh hưởng đến mọi hoạt động và hình thành nên văn hóa, cách thức, phong cách làm việc. Và yếu tố con người trong đó có nhiều nhóm tác nhân có thể ảnh hưởng đến văn hóa công sở phòng ban, mà đa số các nhân tố đó nằm trong nhóm các yếu tố về nhân khẩu học như độ tuổi, giới tính.

Ở mỗi khoảng cách độ tuổi nhất định sẽ có những hệ tư tưởng không giống nhau. Đó không chỉ là sự cách biệt quá lớn như sự khác nhau giữa các thế hệ, mà đôi khi chỉ cần những khoảng cách độ tuổi từ năm tuổi trở lên, nhiều cách suy nghĩ và phản ứng trước một vấn đề đã theo nhiều chiều hướng.

Sự khác nhau giữa các thế hệ, các nhóm tuổi luôn là tiềm tàng cho những mâu thuẫn trong công việc, nhưng nếu dung hòa tốt được thì sẽ luôn có ích trong việc học tập và tiếp nhận các sáng kiến, kinh nghiệm.

Giới tính cũng là một nhân tố ảnh hưởng lớn đến văn hóa phòng ban.

Sự khác nhau giữa nam giới và nữ giới về mặt tâm lý, đặc điểm sinh học đã được rất nhiều bài báo, các nghiên cứu khoa học nhắc đến. Và nó cũng phần nào ảnh hưởng đến cả sự khác nhau về phương thức làm việc và cách thức ra quyết định trong công việc.

Là một thành viên của phòng ban, nếu như phòng đó có lực lượng lao động đa dạng về mặt nhân khẩu học, các nhà quản lý sẽ rất đau đầu để dung hòa được mối quan hệ các thành viên.

Tuy nhiên nếu môi trường đó là đơn phương, chỉ sở hữu một vài đặc điểm nhân khẩu và thiếu đi sự đa dạng, bạn sẽ buộc phải học theo và thích nghi với những nhân tố nhân khẩu chính chi phối đến hành động của nhóm.

Tính chất công việc sẽ là một nhân tố nữa ảnh hưởng đến tác phong, mô típ làm việc của các phòng ban.

Mỗi ngành nghề sẽ có các phương thức, công cụ làm việc khác nhau. Với mỗi ngày dành tối thiểu 8 tiếng để thường xuyên sử dụng các công cụ, hay áp dụng các phương thức vào trong công việc, dần dần sẽ làm ảnh hưởng đến cách thức tư duy và phong cách cá nhân của mỗi người.

Sẽ có những người làm việc hoàn toàn với các con số, hay một số khác thời gian ngồi tại văn phòng chiếm chưa quá 1/3 thời gian làm việc. Một bộ phận khác lại thường xuyên tiếp xúc với pháp luật và các nghị định được ban hành từ chính phủ. Mỗi doanh nghiệp luôn có một số phòng ban nhất định, dẫn đến sự đa dạng về chức năng. Và các chức năng chủ đạo trong công việc dần hình thành nên.

Chẳng hạn Phòng kinh doanh, marketing và phòng kế toán, hẳn sẽ là hai thái cực trong doanh nghiệp. Điều này không quá ngạc nhiên vì mục tiêu chức năng mà hai bên hướng tới, một bên đối tượng là khách hàng, con người và một bên là các số liệu, bằng chứng ghi nhận liên quan tài chính.

Do đó dường như Phòng kế toán sẽ cứng nhắc hơn so với Phòng kinh doanh. Nếu trong doanh nghiệp bạn có phòng Kiểm soát nội bộ, tôi tin rằng việc điều tra và phong cách làm việc chú ý theo dõi đến từng chi tiết sẽ một trong những đặc điểm của bộ phận này.

Chúng ta khó lòng thay đổi văn hóa, mô típ làm việc của một phòng ban, thay vào đó chỉ có cách thấu hiểu cho nhiệm vụ của nhau và cùng hướng tới tinh thần hợp tác mới là giải pháp hoàn hảo nhất cho sự đoàn kết gắn bó nội bộ doanh nghiệp.

Mối quan hệ con người và con người

Đã là môi trường công sở doanh nghiệp hẳn bạn sẽ luôn có đồng nghiệp. Đó không định nghĩa gói gọn là những người làm cùng phòng ban của bạn, mà là tất cả những người mà bạn có khả năng sẽ tương tác trong suốt quá trình làm việc của mình.

Sở dĩ bài viết này chỉ khoanh vùng khái niệm đồng nghiệp là những cá nhân bạn sẽ tương tác, vì thực sự nếu một doanh nghiệp có những nhân viên trong suốt quá trình đi làm bạn hầu như không tiếp xúc, không làm việc cùng,.. nói cách khác bạn đôi khi còn không biết đến sự tồn tại của họ, thì việc ảnh hưởng của họ lên bạn, lên cảm xúc và những gì bạn cảm nhận về môi trường làm việc sẽ cực kỳ thấp. Nếu có cũng chỉ sẽ là những tác động mang tính gián tiếp.

Do đó việc làm rõ tác nhân sẽ gây ảnh hưởng đến tâm lý và từ đó hình thành nên nhận định về môi trường làm việc, văn hóa doanh nghiệp của bạn được rõ ràng hơn, bài viết này sẽ chỉ nhấn mạnh rằng đồng nghiệp là những ai mà bạn sẽ tương tác.

Sẽ có những lúc bạn cảm thấy văn hóa công ty, đồng nghiệp thật khó chịu nhưng cũng sẽ có lúc mọi thứ thật tuyệt vời. Đó là cảm nhận đến từ mỗi cá nhân mà thôi. Tuy nhiên đôi khi nó lại mang đến cho bạn nhiều mặt cảm xúc tích cực, tiêu cực, từ đó khiến bạn có những đánh giá hay nhận định về môi trường làm việc tại công ty.

Có rất nhiều bài viết về môi trường công sở, những thủ đoạn, mánh khóe, hay đối phó đồng nghiệp xấu,…

Những bài viết như vậy dường như chưa đi quá sâu vào bản chất của các mâu thuẫn hay tương tác hàng ngày trong công việc. Nhân tố con người và con người tác động lẫn nhau trong công việc sẽ thông qua hai nhân tố chính mà thôi. Đó là chất lượng công việc và tính cách cá nhân.

Chúng ta đừng quên mục tiêu mỗi người đến doanh nghiệp là để kiếm thu nhập, các doanh nghiệp được thành lập với mục tiêu hàng đầu là tìm kiếm lợi nhuận (đó là tôi không bao gồm các tổ chức từ thiện, tổ chức không có thu chi do chính phủ quản lý…).

Áp lực của sự đào thải bởi những người khác khi mà thị trường lao động có tay nghề ngày càng trở nên dồi dào khiến cho mọi cá nhân điều có một mong muốn chung là thực hiện tốt công việc của mình và thể hiện được bản thân là một người có năng lực.

Vậy sẽ như thế nào nếu trong quá trình đạt được mục tiêu đó, chúng ta vấp phải một rào cản đến từ một cá nhân khác.

Đến đây tâm lý chúng ta dễ khiến bản thân áp nạp cho người khác một hình dung không tốt. Tuy nhiên hãy khách quan hơn, liệu rằng người đó có đang làm việc đúng theo những gì họ cần thực hiện, rằng bạn đã thực sự làm đúng hay chưa. Nếu cả hai đều đúng thì quy trình thực hiện công việc tại doanh nghiệp có làm các bộ phận, chức danh khác nhau có mâu thuẫn hay cản trở nhau hay không.

Và đi xa hơn nữa liệu có một chỉ đạo nào giữa lãnh đạo hai phòng ban gây ra mâu thuẫn,… Chính vì sự thiếu thông tin và thiếu chia sẻ giữa các cá nhân trong công việc, đôi khi chúng ta lầm tưởng rằng một người khác đang làm xấu đi kết quả hay hình ảnh của bản thân và trở thành ngọn nguồn của mọi sự mâu thuẫn, bực bội, khó chịu,…

Nó không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý của bạn, sinh ra phản kháng mà còn ảnh hưởng chung đến không khí của những người xung quanh. Tích cực chia sẻ và thẳng thắn trao đổi quan điểm, cách thức làm việc là một biện phát tốt giảm thiểu đi sự mâu thuẫn đến từ chất lượng công việc.

Mâu thuẫn từ tính cách cá nhân còn là một nhân tố cực kỳ khó tháo gỡ hơn nữa.

Có rất nhiều bài viết để quy tính cách cá nhân con người thành những dạng phổ biến, điển hình như các nghiên cứu về 12 cung hoàng đạo, hay trắc nghiệm MBTI phân loại 16 loại tính cách khác nhau. Nhưng trên thực tế con số này có thể còn nhiều hơn.

Và một điểm nữa, bạn sẽ không thể nào mà thuộc được hết các đặc điểm tính cách của các mẫu người khác nhau.

Thậm chí đôi khi chúng ta còn không hiểu được tính cách của người bạn đời, bố mẹ, người yêu,… Mâu thuẫn trong gia đình, những người chúng ta tiếp xúc hàng ngày là một đề tài tồn tại suốt bao thế hệ nên việc mâu thuẫn tính cách cá nhân trong công sở là điều không quá ngạc nhiên.

Chúng ta nhìn chung sẽ phải chấp nhận những điều đó với quy tắc tôn trọng sắc thái cá nhân của nhau.

Miễn chúng đừng ảnh hưởng đến văn hóa công sở, doanh nghiệp, đạo đức xã hội, và phù hợp pháp luật, mọi sự đa dạng nên được khuyến khích và thấu hiểu thay vì chỉ trích và bài xích.

Mỗi người cần có một góc nhìn cởi mở hơn về nhau, xóa bỏ các quy chuẩn chúng ta quy chụp vào người khác về tính cách. Cuộc sống cá nhân lẫn công sở sẽ trở nên tốt đẹp và thoải mái hơn bao giờ hết.

Scroll to Top