Trên thị trường lao động ở các thời điểm cạnh tranh có khác nhau hay không?
Mùa tuyển dụng của các công ty sẽ xác định các khoảng trống trên thị trường nhân lực. Tuy nhiên đó chưa hẳn là mọi thứ để quyết định tính cạnh tranh trong thị trường việc làm.
Nội dung bài viết
Yếu tố cung cầu thị trường lao động
Sự cạnh tranh ở đây sẽ đến từ hai nhân tố cơ bản mà kinh tế học thường gọi là cung cầu. Đó là cung việc làm (số lượng các công việc đang cần tuyển dụng) và cầu việc làm (số lượng ứng viên có nhu cầu tìm kiếm việc làm ở thị trường nguồn nhân lực).
Khi hai yếu tố này có sự chênh lệch sẽ làm ảnh hưởng đến xác suất tìm được một công việc của bạn. Chẳng hạn khi thị trường việc làm có nhu cầu tìm kiếm nhân lực rất lớn nhưng số lượng tìm kiếm việc làm lại rất ít, do đó các nhà tuyển dụng sẽ có ít sự chọn lựa hơn.
Một số doanh nghiệp có khả năng lựa chọn phương án “hạ tiêu chí tuyển dụng” nhằm đáp ứng được nhu cầu nhân sự kịp thời đảm bảo ổn định cho hoạt động tổ chức. Khi đó xác suất của việc tìm được việc làm sẽ tăng cao. Lúc này thị trường lao động cạnh tranh thấp.
Ngược lại khi số lượng công việc trở nên khan hiếm nhưng tỉ lệ lao động thất nghiệp là rất lớn; cùng một vị trí công việc nhưng lúc này các nhà tuyển dụng sẽ nhận được rất nhiều thông tin ứng tuyển từ ứng viên.
Điều này khiến quá trình lựa chọn, chọn lọc trở nên khắt khe hơn và các tiêu chí đưa ra ưu tiên cho các ứng viên phù hợp nhiều hơn. Do đó khả năng xác suất tìm được công việc của bạn sẽ bị giảm đi rất nhiều. Lúc này cạnh tranh thị trường lao động tăng.
Bạn nên tìm hiểu được nhu cầu tuyển dụng và số lượng người tìm việc làm sẽ chênh lệch nhiều nhất ở những thời điểm nào để quyết định ứng tuyển.
Nó sẽ gia tăng cơ hội việc làm của các bạn rất nhiều. Đó là khi các bạn đang có một công việc rồi và mong muốn nhận được sự thay đổi mới nhé, còn nếu đang thất nghiệp thì xin khẳng định với bạn là mùa nào cũng là mùa tuyển dụng của bạn cả. Bạn không cần phải suy nghĩ quá nhiều về việc này.
Bạn có sở hữu một kỹ năng hiếm?
Ngoài cung cầu, một khía cạnh bạn nên cân nhắc nữa là liệu bạn có đang sở hữu một “kỹ năng hiếm” nào hay không. Vậy định nghĩa kỹ năng hiếm là gì và làm thế nào bạn biết được nó.
Kỹ năng hiếm theo quan điểm cá nhân được đánh giá dựa trên ba khía cạnh: một là kỹ năng đó có khả năng đóng góp và tạo ra lợi ích cho môi trường doanh nghiệp, hai là nó phải khó đạt được và khó bắt chước, và cuối cùng là nó phải có không gian để bạn thể hiện và phát huy.
Kỹ năng tạo ra lợi ích cho doanh nghiệp
Trong khía cạnh thứ nhất, để minh họa rõ hơn, bạn có thể thấy nếu như bạn có kỹ năng thao tác và thực hiện các hàm tính toán, phân tích excel rất phức tạp và công việc bạn ứng tuyển ngoài kiến thức chuyên môn ra cần rất nhiều phân tích và thực hiện tính toán trên excel, đó chính là có khả năng tạo ra đóng góp và lợi ích cho doanh nghiệp.
Một ví dụ khác bạn có thể hình dung là bạn không học khối ngành ngoại ngữ nhưng có khả năng sử dụng tiếng Anh hoặc tiếng Trung rất tốt, điều mà hiếm có bạn học nào có được. Nó mở ra cơ hội cho bạn trong việc làm việc ở các doanh nghiệp FDI hoặc các tổ chức phi chính phủ,… những nơi mà ngoại ngữ là một phương tiện để sử dụng giao tiếp hàng ngày.
Như vậy là xác suất tìm ra việc làm của bạn cũng đã cao hơn các bạn khác.
Kỹ năng khó bắt chước hay đạt được
Nhân tố thứ hai kể đến là phải khó đạt được và khó bắt chước. Thực sự nếu chỉ trong một thời gian ngắn người khác có thể đạt được trình độ và tích lũy được kỹ năng đó như bạn thì nó không còn hiếm nữa. Nó trở thành một kỹ năng chung, đại trà mà ai ai cũng có thể nhanh chóng tích lũy được.
Lấy lại hai ví dụ ở trên, để có thể sử dụng các thuật toán excel ở mức độ phân tích phức tạp bạn cần học và rèn luyện rất nhiều không chỉ ở các trung tâm mà thông qua quá trình tự học hỏi.
Tương tự, nếu bạn không phải là chuyên môn khối ngành ngoại ngữ thì ngoài việc học chuyên môn của bạn, bạn phải nỗ lực và tốn rất nhiều thời gian trước khi ngoại ngữ của bạn đạt đến một trình độ nhất định để sử dụng thành thạo trong công việc.
Hai ví dụ về kỹ năng này cho thấy đều tốn rất nhiều thời gian và sự nỗ lực mới tích lũy được.
Có không gian phát huy
Nhân tố thứ ba là không gian để bạn thực tập và phát huy. Sẽ như thế nào nếu bạn có một kỹ năng đáp ứng được hai nhân tố đầu, nhưng tại môi trường cộng đồng/ quốc gia mà bạn đang sinh sống và tìm kiếm công việc không hề có một vị trí nào cần kỹ năng đó.
Mọi thứ sẽ trở nên phi giá trị, vì chúng ta cung cấp cho thị trường lao động cái thị trường cần, không phải cái mà chúng ta muốn. Những thứ có giá trị chỉ khi nó có khả năng sử dụng cho một mục đích nào đó, bao hàm cả sức lao động và giá trị kỹ năng của bạn.