Tầm nhìn, sứ mệnh và giá trị cốt lõi là gì
Một trong những khía cạnh khá trừu tượng, nặng tính học thuyết và hơi khó hiểu một chút so với các khái niệm thông thường khác khi bạn truy cập vào phần giới thiệu thông tin của một doanh nghiệp, đó chính là sứ mệnh, tầm nhìn và giá trị cốt lõi. Không phải công ty nào cũng sẽ xây dựng nên những khái niệm này, tuy nhiên nếu doanh nghiệp đó có, chúng ta hãy thử đi vào tìm hiểu một chút chúng là gì và ảnh hưởng đến người lao động như thế nào.
Đầu tiên, sứ mệnh chính là lí do mà doanh nghiệp đó tồn tại. Nói một cách khác, khi bạn đọc vào một bản sứ mệnh, bản sẽ hiểu là doanh nghiệp đó mong muốn đem lại cho cộng đồng những điều gì. Thông thường đó là sự phục vụ, giải tỏa một vấn đề của cá nhân, cung cấp một phương thức … để khiến cho cuộc sống con người tốt đẹp và thoải mái hơn. Nó mang đến nụ cười và sự thỏa mãn cho mọi người vì những gì mà doanh nghiệp cung cấp. Một sứ mệnh sẽ hướng đến cộng đồng và phục vụ cộng đồng.
Tầm nhìn là những gì doanh nghiệp đặt ra làm mục tiêu để đạt đến trong một khoảng thời gian nhất định, nhưng không phải ngắn hạn. Đó là mục tiêu mà mọi tổ chức đều hướng đến, và là một trong các thành tố quan trọng quyết định các chiến lược của doanh nghiệp.
Các tầm nhìn thông thường sẽ có sức truyền cảm hứng rất lớn, khơi dậy động lực và thường hướng đến mục tiêu to lớn như “ dẫn đầu”, “tốt nhất”, “số một”,… ở trong một phạm vi nhất định mà doanh nghiệp hướng đến. Làm rõ được tầm nhìn, doanh nghiệp có được kim chỉ nam để quyết định cách thức và phương thức phục vụ cộng đồng của mình.
Giá trị cốt lõi, nhân tố mà tôi để sau cùng sẽ là trọng tâm mà chúng ta nên tìm hiểu và phân tích. Đó là bởi vì nó ảnh hưởng lớn nhất đến những người lao động trong chính tổ chức. Do đó nó sẽ là một trong các nhân tố mà bạn nên tìm hiểu, tham khảo một chút để hiểu thêm về doanh nghiệp. Giá trị cốt lõi ở đây được hiểu như là một hướng dẫn cho những hành động và giá trị mà doanh nghiệp hướng tới.
Đó như là một nét văn hóa, những điều mà doanh nghiệp được ghi nhận là đúng đắn, là chuẩn mực cho các hành vi diễn ra bên trong doanh nghiệp. Các giá trị cốt lõi này chắn chắn không đi ngược lại thuần phong mĩ tục, không phá vỡ các quy chuẩn đạo đức xã hội, và không phải là một sự lan truyền mang tính tôn giáo. Nó chỉ là một cách mà khi một cá nhân trong doanh nghiệp chuẩn bị hành động, họ sẽ căn cứ vào đó để ra quyết định phù hợp.
Các bạn hãy tưởng tượng một doanh nghiệp có giá trị cốt lõi là “sáng tạo” và chúng ta thì quen với việc làm theo đường lối chủ trương có sẵn, hoặc tham khảo trên mạng. Vâng chúng ta và công ty không thuộc về nhau. Một ví dụ khác, một doanh nghiệp đề cao “máu lửa” làm việc tận tâm hết mình, và chúng ta quen văn hóa đề cao hiệu suất trong giờ làm và hết giờ là đi về, đúng giờ. Việc này sẽ gây không ít khó chịu và nhiều khả năng không thể thích ứng được với cách làm việc của doanh nghiệp.
Tuy nhiên thực tế thì không phải doanh nghiệp nào cũng có các giá trị cốt lõi phản ánh đúng giá trị thực tế của doanh nghiệp. Giá trị cốt lõi đôi khi là những giá trị mà người điều hành, người chủ doanh nghiệp mong muốn đạt được chứ chưa hẳn là những gì đã hiện hữu trong cách mọi thành viên tương tác với nhau.
Để các giá trị được đúc kết, quy chuẩn thành một kiểu như văn hóa nội bộ, cần một quá trình kiên trì, lâu dài và sự làm gương của các nhà quản lý. Các nhân viên thông thường sẽ nhìn vào các nhà quản lý để học tập, và một giá trị cốt lõi chỉ thực sự sống khi các lãnh đạo kiên trì theo đuổi và điều chỉnh hành vi trong tổ chức.
Và là một người tìm việc, đôi khi bạn đừng đặt nặng giá trị cốt lõi doanh nghiệp hay văn hóa doanh nghiệp. Căn bản chúng ta có thể thay đổi và điều chỉnh hành vi một cách từ từ cho phù hợp với những gì doanh nghiệp kỳ vọng.
Tuy nhiên nếu sự thay đổi đó quá đau đớn và “không xứng đáng”, hãy mạnh dạn từ bỏ. Chúng ta không cần tám tiếng ở công sở và cố gắng duy trì những điều mà cá nhân chúng ta không tin tưởng, không điều chỉnh được hoặc ảnh hưởng quá lớn đến cá tính. Vì đâu đó ở bên ngoài, sẽ có chỗ phù hợp với mỗi chúng ta.
Tìm thấy các thông tin về định hướng, tầm nhìn, sứ mệnh, các kế hoạch ngắn và trung hạn của công ty ở đâu. Làm thế nào để tham khảo nó
Tìm thấy được các thông tin về định hướng, tầm nhìn, sứ mệnh, các kế hoạch ngắn hạn và trung hạn của công ty không hề dễ dàng. Và đa số chúng ta có thể bỏ qua tất cả các yếu tố này khi tìm việc. Căn bản vì chúng ta đang thất nghiệp một cách bị động và mong muốn có một công việc thôi đã là tốt rồi.
Tuy nhiên nếu chúng ta đang có việc làm và chủ động tìm kiếm một cơ hội khác tốt hơn, tìm hiểu kỹ hơn một chút về doanh nghiệp thật sự sẽ tốt hơn. Nó giống như việc chúng ta tìm hiểu đầy đủ thông tin về một đối tượng trước khi đi đến làm quen vậy.
Thông thường, tầm nhìn, sứ mệnh và giá trị cốt lõi của một doanh nghiệp sẽ được nêu lên trên website doanh nghiệp ở phần giới thiệu công ty. Tại đây, các bạn có thể còn tìm thấy được lịch sử hình thành phát triển, các mốc quan trọng của doanh nghiệp, thông tin về hội đồng quản trị công ty, các phòng ban hay triết lý kinh doanh,… Các bạn có thể tham khảo một chút thông tin và nếu ghi nhớ được sẽ tốt hơn.
Một số nhà tuyển dụng có thể sẽ thích hỏi những câu hỏi như “bạn biết gì về công ty của chúng tôi”, và việc bạn nắm được các thông tin trên và tường thuật với nhà tuyển dụng, có thể cho nhà tuyển dụng thấy được sự nghiêm túc của bạn khi đi tìm một công việc, cũng như sự quan tâm thực sự của bạn đến doanh nghiệp.
Các kế hoạch ngắn hạn, trung hạn của công ty, bạn có thể tìm thấy ở phần định hướng phát triển, hoặc các nội dung tương tự về kế hoạch được đăng tải ở các website. Tuy nhiên đa phần các kế hoạch của một doanh nghiệp thường hiếm khi công khai và được chia sẻ, việc tham khảo từ các trang báo mạng về kinh doanh, về hoạt động doanh nghiệp là khá hữu ích.
Có rất nhiều cây viết có khả năng quan sát cực kỳ tốt về một doanh nghiệp, đưa ra các nhận định về sự phát triển hay các hoạt động. Thậm chí họ còn đưa ra các dự báo về doanh nghiệp, thị phần, sự phát triển,… Chúng ta có thể tham khảo thông tin từ các nguồn này.
Bên cạnh đó, nếu doanh nghiệp là công ty đại chúng (công ty cổ phần) và có niêm yết trên sàn, việc đọc các báo cáo thường niên hoặc báo cáo quý của doanh nghiệp, các giải trình hay tọa đàm trong những đại hội cổ đông cũng có khả năng cho chúng ta biết được phần nào về định hướng của một doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp khi có định hướng tốt và phát triển sẽ có nhiều cơ hội. Các doanh nghiệp vẫn đang loay hoay chưa tìm ra được một hướng đi cụ thể thông thường sẽ hay thay đổi, và bạn cần sự linh hoạt, nhẫn nại và chấp nhận rủi ro mới có thể bám trụ lại ở các doanh nghiệp này.
Thực tế vì nhu cầu nhân lực công ty sẽ phụ thuộc vào quy mô và sự phát triển của doanh nghiệp. Việc bạn làm trong một doanh nghiệp ổn định, đồng nghĩa bạn sẽ chấp nhận cơ hội thăng tiến của bạn sẽ không nhiều. Các vị trí quản lý mới không phát sinh, các đội ngũ quản lý hiện tại năng lực tốt và điều hành giữ vững được sự ổn định.
Sẽ khó cho những bạn có hoài bão được thăng cấp làm quản lý trong những doanh nghiệp như thế này. Lựa chọn một doanh nghiệp đang phát triển, mà cụ thể nhất là nhìn mức độ tăng trưởng về mặt quy mô nhân sự (Ví dụ từ 200 lên 500, 1 000) cũng như các kế hoạch mở rộng, bạn đã tự chọn cho mình một không gian rộng lớn hơn cho việc thăng tiến nếu thực sự nỗ lực.