Khi đề cập đến công ty cũ, các doanh nghiệp trước đây mà bạn làm việc, ba nhân tố quan trọng nhất chúng ta có thể chia sẻ là Tên doanh nghiệp, Ngành nghề mà doanh nghiệp đang hoạt động, và cuối cùng là Quy mô của doanh nghiệp.
Tên doanh nghiệp
Tên của doanh nghiệp chắc chắn là cái bạn phải đưa vào CV. Đó không có gì quá là đặc biệt.
Tuy nhiên vì một số công ty có thể có nhiều tên gọi khác nhau (thường là tên viết tắt) nên để hoàn hảo nhất, bạn nên viết tên đầy đủ của công ty và thêm ngoặc kép phía sau (tên viết tắt). Như vậy sẽ không bị lẫn lộn thông tin hoặc tránh các trường hợp là doanh nghiệp bạn trước đây làm việc rất nổi tiếng nhưng bạn lại chọn tên không phổ biến.
Điều này đặc biệt nên lưu ý ở một số doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Khá nhiều doanh nghiệp dịch tên sang tiếng Việt nghe rất “lạ” nhưng thực tế khá nhiều doanh nghiệp nổi tiếng mang tầm vóc khu vực lẫn toàn cầu.
Ngành nghề hoạt động
Ngành nghề mà công ty cũ đang hoạt động là một trong các điểm mà các nhà tuyển dụng khá quan tâm. Vì sao tôi lại đề xuất nên đưa nó vào trong CV. Nó sẽ ảnh hưởng đến suy đoán của những người làm nhân sự về quyết định bạn có được bao nhiêu kỹ năng, kiến thức hay kinh nghiệm phù hợp với công việc mà nhà tuyển dụng đang tìm kiếm.
Không hiếm các trường hợp nhân sự, đặc biệt là các nhân sự chủ chốt cấp cao nghỉ việc và chuyển đến một công ty khác trong cùng ngành với một mức lương hấp dẫn hơn hoặc vị trí cao hơn.
Điều này đặc biệt đúng với các vị trí yêu cầu thời gian am hiểu thị trường, công nghệ,… là khá dài. Ngoài các lĩnh vực độc quyền bởi nhà nước hoặc yêu cầu vốn đầu tư là quá lớn như hàng không, đa số các ngành nghề khác đều sẽ có khá nhiều doanh nghiệp cùng hoạt động ở một lĩnh vực mặc dù các phân khúc thị trường có thể khác nhau.
Việc các bạn bổ sung thông tin về lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp mà trước đây bạn làm việc giải thích rõ ràng hơn và sẽ giúp nhà tuyển dụng mường tượng rõ hơn về kỹ năng kinh nghiệm của bạn.
Quy mô công ty cũ
Quy mô của công ty cũ là một yếu tố nữa mà theo tôi chúng ta nên bổ sung vào CV ở mỗi doanh nghiệp mà bạn đã làm việc qua trong phần kinh nghiệm. Một số bạn từng chia sẻ rằng vì doanh nghiệp không nổi tiếng, quy mô lại nhỏ,.. nên bỏ qua các thông tin này.
Thực sự các nhà tuyển dụng tìm kiếm ứng viên dựa trên tiêu chí phù hợp, chứ không phải là yếu tố bạn xuất sắc đến đâu hoặc làm ở các doanh nghiệp tầm cỡ như thế nào.
Nếu bạn làm việc ở công ty cũ là một doanh nghiệp rất lớn và nổi tiếng. Bạn đã rất xuất sắc khi đã vượt qua có thể hàng trăm ứng viên khác cho vị trí hiện tại.
Bạn thu thập được các tiêu chí kinh nghiệm trong một môi trường dường như khá hoàn hảo, và liên tục được rèn luyện với các thử thách lý tưởng. Các quy trình chuẩn chỉnh và hệ thống mô tả công việc lẫn tiêu chuẩn công việc (SOP) rõ ràng, và có sự theo dõi điều chỉnh thường xuyên các hoạt động nghiệp vụ để đạt được mức tiêu chuẩn hóa.
Tuy nhiên nó không có nghĩa là các bạn làm việc ở các công ty nhỏ hoặc công ty khởi nghiệp sẽ là một bất lợi hoặc yếu thế hơn.
Tại đó bạn sẽ học được cách thực hiện nhiều công việc khác nhau một cách đa năng, có nhiều không gian sáng tạo hơn và học được cách ra quyết định. Một doanh nghiệp nhỏ cũng sẽ linh động hơn nhiều trong các hoạt động so với các doanh nghiệp khổng lồ, và bạn sẽ học được những khao khát, sự linh hoạt trong các hoạt động.
Do đó hãy mạnh dạn nêu lên quy mô doanh nghiệp trước đây mà bạn làm việc.