Làm trái ngành không phải là một việc hiếm của những người đang tìm kiếm công việc. Không chỉ ở các bạn sinh viên mới ra trường, ai cũng có thể làm trái ngành trước đây mình theo đuổi. Nhưng làm sao để gia tăng cơ hội, và biết được bản thân có phù hợp với ngành mới?
Nội dung bài viết
Bạn phù hợp được bao nhiêu phần
Phù hợp với công việc tuyển dụng được bao nhiêu phần, đó là một câu hỏi khi mỗi người đọc được một tin tuyển dụng trên mạng. Thông thường chúng ta thường lựa chọn những công việc có chức danh tương tự với công việc trước đây mình đã làm. Liệu rằng đó là một lựa chọn tốt, và thực sự phù hợp với bạn?
Công việc nào mang tính thường xuyên
Một công việc có thể có nhiều tên gọi khác nhau, vì suy cho cùng đó cũng chỉ là một cái tên. Đôi khi một cái tên không thể giúp chúng ta nhận ra được đầy đủ bản chất của một sự vật, sự việc. Điều này cũng hoàn toàn đúng cho việc tìm kiếm việc làm.
Tên gọi giống nhau nhưng nội dung công việc lại không hẳn tương đồng. Tại sao? Vì thực sự cái tên hay chức danh cũng chỉ là do con người đặt ra mà thôi. Các bạn hãy chú ý thật sâu vào cái chất, những gì mà bản thân công việc đó sẽ làm thông qua các mô tả nội dung công việc.
Để kiểm tra được bạn phù hợp được với công việc bao nhiêu phần, bạn hãy tự mường tượng xem vị trí công việc đó 80% thời gian sẽ làm những gì. Khá nhiều bản tin tuyển dụng hiện nay có các nội dung được biết khái quát về công việc rất tốt, nhưng chỉ một số nội dung thường xuyên thực hiện. Một số khác có thể định kỳ hàng tháng, thậm chí hàng quý mới làm một lần.
Với những công việc không làm quá thường xuyên, bạn hoàn toàn có khả năng sau khi vào làm từ từ tìm hiểu và hoàn thiện, vì đó không phải là những nội dung cấp thiết mang tính liên tục. Hãy tìm hiểu những công việc định kỳ thường xuyên, và so sánh khả năng của bạn trong việc thực hiện các công việc đó.
Hiếm có một doanh nghiệp nào tuyển dụng nhân sự chỉ để họ làm 20% thời lượng công việc cho những việc không thường xuyên. Vì những trường hợp đó các doanh nghiệp có thể cân nhắc phương án thuê ngoài (outsourcing). Vậy, hãy kiểm tra nội dung công việc thường xuyên nào bạn có thể sẽ làm và tự đánh giá bạn đáp ứng được bao nhiêu phần trăm những nội dung đó nhé. Đó là bước thứ nhất.
Công việc nào mang tính quan trọng
Bước thứ hai không kém phần quan trọng, đó là hãy xem những nội dung công việc nào mang tính quan trọng, tạo giá trị cho doanh nghiệp.
Đó là các chức năng thật sự tạo ra những kết quả ảnh hưởng tích cực lên hoạt động chung của doanh nghiệp, ở tầm vị trí mà bạn ứng tuyển. Nếu như chức năng đó không có thì công việc của bạn trở nên không còn quan trọng, và dễ bị thay thế bởi những cá nhân khác trong công ty.
Khi bạn hiểu được đâu là những việc quan trọng, những việc nào không, bạn sẽ thấy mình có thực sự phù hợp với vị trí đó hay không. Bạn chỉ cần bỏ từng nội dung công việc và kiểm tra lại rằng, nếu không có nó thì có sao không. Câu trả lời bạn có thể tự đánh giá được.
Yêu cầu của công việc ra sao
Và một nhân tố cuối cùng những đặc biệt quan trọng không thể không nhắc tới, đó là yêu cầu công việc đó bạn đáp ứng được bao nhiêu phần.
Một số bạn có thể cảm thấy vị trí đó yêu cầu cao quá và mình không đáp ứng được, sau đó lựa chọn bỏ qua không ứng tuyển. Tuy nhiên có một sự thật rằng hiếm khi nào có một ứng viên đáp ứng 100% những gì các nhà tuyển dụng đặt ra. Và cho dù nếu họ thực sự đáp ứng, có thể họ sẽ có những kỳ vọng cao hơn để phát triển bản thân của mình, thay vì chỉ trau dồi lại những năng lực đã có.
Vậy bạn đã biết bạn phù hợp được bao nhiêu phần với công việc đang tuyển dụng rồi. Kiểm tra nội dung công việc thực hiện thường xuyên, nội dung công việc mang tính quan trọng, và yêu cầu công việc. Bạn sẽ có được cái nhìn khách quan về cơ hội của mình khi xem xét kỹ các nhân tố đề xuất như trên.
Làm trái ngành khi bạn có nền tảng cơ bản phù hợp
Hai lựa chọn cơ bản khi bạn ứng tuyển cho một công việc, là lựa chọn một công việc giống như trước đây mình từng làm. Lựa chọn này có vẻ khá an toàn. Nhưng nếu bạn muốn lấn sân sang một lĩnh vực mới thì chúng ta cần phải tìm hiểu những gì?
Nền tảng căn bản khi làm trái ngành là gì
Đầu tiên chúng ta nên xem xét nền tảng căn bản của công việc đó là gì. Vậy nền tảng căn bản đó là những gì. Đó có thể là một bộ kỹ năng, kiến thức chung áp dụng được cho nhiều ngành nghề, hoặc một nhóm các ngành nghề nhất định. Nó không quá chi tiết cho một công việc, một vị trí mà là một dạng kiến thức, kỹ năng đại cương có thể áp dụng được cho nhiều công việc khác nhau.
Nền tảng này không giúp bạn làm được việc ngay, nhưng nó cực kỳ hữu ích cho các bạn khi tìm hiểu hoặc học hỏi một kiến thức, một kỹ năng mới. Nó không khác gì một bộ xương sống và việc của chúng ta là phát triển thêm lớp cơ, da,… để hoàn thiện thành một con người.
Bạn không thể tạo ra một con người từ khung xương của một con voi, và tôi tin rằng bạn sẽ rất khó chuyển sang một vị trí mới nếu không có những nền tảng căn bản, trừ phi bạn đi học lại kiến thức từ đầu. Nếu bạn có thời gian và không áp lực kinh tế để bắt đầu lại mọi thứ từ đầu thì không sao cả. Nhưng nếu bạn còn trách nhiệm với nhiều người khác, hãy cân nhắc thật kỹ cho sự lựa chọn của mình.
Bước một chân ra khỏi vòng an toàn sẽ rất khác với bước hoàn toàn ra khỏi nó.
Bạn có sự chuẩn bị đến đâu để làm trái ngành
Bạn đã chuẩn bị đến đâu cho việc thay đổi. Bạn có thực sự thích công việc đó hay không? Sẽ như thế nào nếu bạn thấy một công việc đang rất “hot” trên thị trường lao động việc làm, muốn chuyển sang ngay công việc đó để có được nhiều cơ hội hơn lẫn mức thu nhập tốt hơn.
Không sao cả vì một khi công việc đang rất thu hút nhân lực thì bản thân chúng sẽ có thể hạ nhu cầu tuyển dụng xuống để đáp ứng được quan hệ giữa cung lao động và cầu việc làm. Nhưng hãy thực tế rằng những gì bạn nghĩ và những gì công việc đó thực sự làm có giống nhau hay không. Sẽ như thế nào nếu bạn bỏ mọi thứ để theo đuổi một công việc mới và nhận ra mình chả ưa gì nó.
Và các kiến thức sẽ cần phải tự học hoặc tìm hiểu để bổ sung cho khuyết điểm hiện tại của bạn là gì?
Cách nhanh nhất trả lời được phần này chính là tìm một người trong ngành có kinh nghiệm đã lâu, và xin những góp ý cũng như chia sẻ từ họ, về bản chất của công việc, những gì bạn có thể gặp phải, các kiến thức hoặc khung chương trình nào cần tìm hiểu để hoàn thiện. Và sau khi cảm nhận được mọi thứ đúng như những gì mình mường tượng, hãy đi đến bước cuối cùng.
Thời gian để thích nghi
Vị trí đó có mất quá nhiều thời gian để thích nghi hay không. Đó là câu hỏi cuối cùng bạn nên đặt ra khi lấn sân sang một lĩnh vực mới.
Tại sao điều này lại quan trọng, vì thực tế nếu bạn làm việc cho một doanh nghiệp, bạn đa số chỉ có hai tháng để chứng tỏ mình phù hợp với vị trí. Nếu trong thời gian hai tháng thử việc đó, bạn không thích nghi được với những nội dung của một công việc mới, bạn sẽ bị đào thải.
Hãy đảm bảo cho mình có một nền tảng tốt đủ để vượt qua các vòng kiểm tra phỏng vấn, và các kỹ năng thích nghi với môi trường công việc mới. Thậm chí nếu thất bại ở lần đầu tiên, các bạn vẫn có thể thử sức ở một vai trò khác cấp độ thấp hơn hoặc yêu cầu vị trí đơn giản hơn.
Tuy nhiên hãy luôn đảm bảo cho mình có được một nền tảng kiến thức tốt, một góc nhìn đầy đủ về công việc mới và khả năng thích nghi tuyệt vời.
Một số bạn có thể trả lời trong buổi phỏng vấn rằng “tuy mình chưa tìm hiểu hay học hỏi nhiều về vị trí nhưng sẽ cố gắng học hỏi khi vào làm việc”. Các bạn sẽ trả lời như thế nào nếu câu hỏi của nhà tuyển dụng là “vậy tại sao tôi nên chọn bạn khi mà còn nhiều ứng viên khác có kiến thức, kinh nghiệm tốt hơn?”.
Hãy tự suy nghĩ cho mình câu trả lời, nhưng cơ bản và quan trọng nhất vẫn luôn là sự chuẩn bị của bạn cho một công việc mới tốt đến đâu.
Đánh giá mức độ hiếm của kỹ năng bạn còn thiếu
Nhân tố kỹ năng hiếm – một trong các nhân tố quan trọng để đánh giá sự cạnh tranh của bạn so với các đối thủ khác trên thị trường việc làm.
Vậy nếu trong một yêu cầu công việc bạn thiếu đi một vài kỹ năng thì sẽ ra sao? Làm sao chúng ta có thể đánh giá được rằng đó có phải là một trong các kỹ năng then chốt bạn bắt buộc phải có khi ứng tuyển hay không?
Nếu bạn mới vừa ra trường muốn làm trái ngành
Nếu bạn là một người vừa ra trường và còn chưa có kinh nghiệm, hãy lựa chọn các vị trí vừa sức ở cấp độ nhân viên hoặc tập sự. Các vị trí yêu cầu càng ít kinh nghiệm hoặc các kỹ năng bạn thiếu sẽ là một lựa chọn lí tưởng.
Điểm quan trọng nhất trong sự nghiệp không phải là bạn có một vị trí tốt ngay từ đầu, vì điều này hiếm ai có thể đạt được trừ một số yếu tố về may mắn, bối cảnh,… Quan trọng nhất vẫn là bạn có được một công việc “liên quan” đến lĩnh vực bạn thích, có cơ hội để được học hỏi, trau dồi kiến thức và các kỹ năng.
Hầu như các nhà tuyển dụng sẽ không đánh giá về kỹ năng làm việc của bạn quá nhiều khi bạn là một sinh viên tốt nghiệp, thay vào đó họ sẽ xem xét đến yếu tố thái độ và sự ham học hỏi.
Tuy nhiên, có một điểm rất quan trọng là doanh nghiệp bạn ứng tuyển phải có một người có chuyên môn và dẫn đường, định hướng cho công việc của bạn. Đây là một điều kiện tiên quyết và có thể nói là quan trọng nhất khi các bạn trẻ bắt đầu con đường sự nghiệp.
Một người hướng dẫn giỏi có thể định hướng lối đi phù hợp với bạn, chia sẻ cho bạn những gì mà trước đây các lí thuyết, sách vở không thể nào thể hiện được. Họ giúp rút ngắn một số lượng đáng kể thời gian – khi mà bạn lạc lối và phải tự tìm định hướng cho mình. Vậy nên hãy chọn một công việc ít yêu cầu nhưng có khả năng có người dẫn đường tốt và nhiều cơ hội phát triển.
Khi bạn đã có một số kinh nghiệm nhất định
Tuy nhiên khi bạn đã có một số kinh nghiệm và kỹ năng nhất định ở lĩnh vực mình theo đuổi. Đây là lúc chúng ta thực sự cân nhắc về việc tiếp tục phát triển bản thân thông qua các dự án mới, thậm chí là một công việc mới. Và các công việc không dành cho các bạn mới ra trường, đều sẽ yêu cầu số năm kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng nhất định.
Một số các vị trí đăng tuyển ở phần yêu cầu có thể ghi chú rất rõ: … yêu cầu bắt buộc. Đây chính là mục đích của các nhà tuyển dụng tránh làm bạn lãng phí thời gian, và những kỹ năng hoặc kinh nghiệm ở dấu ba chấm ở trên chính là điều kiện tiên quyết, là yếu tố bắt buộc để bạn được hẹn phỏng vấn.
Một số doanh nghiệp không có những yêu cầu bắt buộc với từng vị trí thì dường như có thể linh động hơn trong việc sàng lọc nhân sự, nhưng sẽ luôn có các yếu tố kỹ năng bạn cần nhận định được.
Đánh giá tổng thể công việc
Bạn hãy đánh giá tổng thể nội dung công việc và yêu cầu công việc. Các yêu cầu công việc đó những yếu tố nào được xem là phổ biến (học vấn, số năm kinh nghiệm chẳng hạn) mà khá nhiều người đạt được. Yếu tố nào sẽ là các kỹ năng thực sự hiếm (đọc được một báo cáo, làm được một loại công nghệ mới, thông thạo ít nhất hai ngoại ngữ,..)
Phân biệt được hai yếu tố này giúp bạn hình dung được phần nào những gì nhà tuyển dụng kỳ vọng ở ứng viên.
Trong phần kỹ năng hiếm, bạn có thể đánh giá được ở khu vực đăng tuyển đang tìm kiếm nhân sự, liệu có ai có thể đáp ứng được các yêu cầu đó hay không. Thông qua đánh giá về lực lượng lao động xung quanh bạn, các công ty trong cùng ngành, hoặc cùng khu công nghiệp,… Bạn sẽ hiểu được là liệu kỹ năng đó đã có sẵn hay sẽ cần phải có thời gian trau dồi.
Chẳng hạn trong năm 2020, công nghệ làm bản mạch điện tử SMT rất phổ biến ở các doanh nghiệp sản xuất miền Nam, miền Bắc của Việt Nam. Nhưng ở miền Trung lại không hề có doanh nghiệp nào dùng công nghệ này. Nó dẫn đến việc kỹ năng đó thực sự hiếm và dường như là thị trường ở khu vực đó không tồn tại.
Các doanh nghiệp chỉ có thể hoặc đào tạo lại từ đầu hoặc tuyển người từ miền Nam, miền Bắc về làm việc. Nhận định được thị trường việc làm có nhân lực nào đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp hay không sẽ giúp bạn tránh được tình trạng bỏ sót cơ hội.
Đôi khi một số bạn cảm thấy các yêu cầu đưa ra là quá cao và không đáp ứng được nên ngần ngại không ứng tuyển vào một vị trí, nhưng thực sự các yêu cầu tại thời điểm đó không ai có thể đáp ứng được. Nếu bạn mạnh dạn thì sẽ vẫn có cơ hội.
Tìm hiểu công ty đang tuyển dụng
Ở một tình huống khác, khi kỹ năng hiếm đó vẫn có nhân sự đáp ứng được thì bạn cũng chưa hẳn là không có cơ hội. Bạn có thể đánh giá xem công ty đang tuyển dụng đó so với các doanh nghiệp khác có quy mô lớn hơn, thương hiệu nổi tiếng hơn hoặc phúc lợi tốt hơn hay không.
Nếu những người đã có kinh nghiệm khi chuyển việc đa số đều mong muốn vị trí cao hơn, thu nhập tốt hơn hoặc một kỳ vọng nào đó lạc quan hơn ở một doanh nghiệp mới. Khá nhiều doanh nghiệp lớn tuyển được nhân tài khá dễ dàng cũng chỉ bởi họ làm thương hiệu tuyển dụng rất tốt.
Nếu doanh nghiệp đang tuyển dụng thiếu đi những lợi thế cạnh tranh trên thị trường lao động, thì chưa hẳn họ đã tuyển được những người có kỹ năng tốt thực sự vào làm việc. Và cơ hội vẫn còn nguyên cho bạn.
Do đó, nếu bạn thiếu một vài kỹ năng nào đó trong yêu cầu tuyển dụng của một vị trí, đừng vội nản lòng. Hãy chịu khó tìm hiểu phân tích một chút về các kỹ năng đó, và biết đâu sau khi phân tích xong, bạn vẫn là một ứng viên rất tiềm năng.
Thị trường quyết định cơ hội làm trái ngành
Thị trường lao động là một trong những yếu tố quyết định trong việc một doanh nghiệp sẽ chọn lựa hay không một cá nhân còn thiếu nhiều kỹ năng vào làm việc.
Hiểu đúng thị trường mục tiêu
Khái niệm thị trường lao động có vẻ bao la mơ hồ và quá rộng lớn. Nó có thể là một nhóm ngành nghề, một nhóm công việc, theo địa phương, quốc gia. Thậm chí có thể phân loại thị trường lao động theo một công nghệ. Do đó sẽ rất khó để chúng ta có thể hình dung được rõ ràng thị trường lao động vận hành và ảnh hưởng đến bạn ra sao.
Khi các bạn gán một hệ quy chiếu cụ thể lên thị trường lao động, mọi thứ sẽ rõ ràng hơn một chút. Thay vì các khái niệm chung chung hoặc mơ hồ, không hướng đối tượng cụ thể. Bạn hãy xem thị trường lao động trong hệ quy chiếu gắn với quy mô của doanh nghiệp mà bạn quan tâm.
Đó là những gì gần gũi nhất, là nhóm đối tượng lao động mà doanh nghiệp đó hướng tới. Và với mỗi doanh nghiệp tuy cùng ngành nhưng quy mô, cách thức hoạt động, đối tượng khách hàng khác nhau, các nhóm đối tượng lao động cho công tác tuyển dụng sẽ không giống nhau.
Rất khó một chuỗi siêu thị mini địa phương dùng tiêu chuẩn nhân sự của một chuỗi siêu thị toàn cầu để áp dụng cho việc tìm kiếm nhân sự. Một doanh nghiệp định hướng bán buôn cũng sẽ không có các hoạt động như là một doanh nghiệp phục vụ bán lẻ cho từng đối tượng khách hàng nhỏ.
Các báo cáo thị trường chỉ nên tham khảo
Thông thường chúng ta có thể tham khảo về tình hình nhân sự, các thống kê, chỉ số thị trường, nghề nghiệp, triển vọng,… Những thông tin và báo cáo này các bạn có thể tìm thấy khá dễ dàng trên mạng.
Trước khi đọc và tin hoàn toàn vào nó, hãy lưu ý rằng đơn vị thực hiện sẽ chọn mẫu là những doanh nghiệp nào hoặc các nhóm nào để thực hiện khảo sát. Nó có thể đại diện thông tin chung cho một ngành, một nhóm nghề, nhưng nếu đảm bảo những thông tin đó áp dụng được cho hầu hết các trường hợp dường như là không thể. Một mẫu dù tốt đến đâu cũng khó lòng đại diện được cho toàn bộ các thành phần thực tế.
Do đó, chỉ khi bạn có một định hướng công việc cụ thể, một nhóm doanh nghiệp cụ thể, hãy tìm một thị trường lao động phù hợp với hệ quy chiếu của doanh nghiệp đó, sau đó tiến hành tìm hiểu và phán đoán cơ hội của mình. Chỉ khi đó những dự đoán của bạn mới hoàn toàn mang tính chính xác.
Tìm hiểu thông tin phù hợp
Thực sự việc tìm kiếm thông tin không quá khó nhưng nhận định được sự phù hợp cho thông tin mình thu thập được lại là một việc rất khó khăn. Thị trường lao động vốn dĩ đã là một khái niệm rất mơ hồ cho nhiều người không chuyên, và càng tham khảo nhiều, chúng ta lại dường như dễ mất phương hướng hơn nữa.
Việc bạn chuyển sang công việc mới nhưng vẫn còn thiếu các kỹ năng, kiến thức không phải là không có cơ hội. Khi các bạn xác định được đâu là thị trường lao động chính của công việc hoặc nhóm công việc đó, hãy tìm hiểu thêm về các nhu cầu tuyển dụng về vị trí.
Tìm trên các trang website, các nhóm việc làm, các thông tin đăng tuyển của doanh nghiệp. Nhưng hãy lưu ý lại thêm một lần nữa, là thị trường lao động đó là nhóm mà doanh nghiệp hướng tới, và bạn hãy tìm cách gia nhập vào nhóm đó thông qua những phân tích tôi đã nêu lên ở các bài viết trước.