Cách viết việc làm không chính thức vào CV

không chính thức

Trong quá trình viết CV, có nên đưa các thông tin làm việc không chính thức như quá trình thực tập/ học việc hay làm thêm vào phần kinh nghiệm làm việc hay không? Câu hỏi này đặc biệt nhiều ở các bạn sinh viên mới ra trường.

Thực tế rất khó để đưa ra một lời giải đáp chính xác. Thừa thông tin hoặc thiếu dữ liệu công việc, cả hai đều có ảnh hưởng như nhau đến CV tìm việc của bạn.

Do đó để trả lời câu hỏi này, cần chú ý đến ba điểm chính. Đó là giá trị thực sự của việc tham gia vào các dự án, thực tập, học việc; mối liên quan đến công việc mà bạn định ứng tuyển và “độ dài” CV của bạn.

Giá trị của việc làm không chính thức

Giá trị thực sự của việc tham gia vào làm việc không chính thức tại các dự án, thực tập, học việc,.. ở đây là lượng kiến thức, kỹ năng, vai trò và trải nghiệm thực tiễn mà bạn gặt hái được. Dù các việc nêu trên đều mang tính ngắn hạn nhưng thực sự về mặt tính chất luôn có sự khác biệt.

Khi tham gia một dự án, bạn hoàn toàn có nhiều vai trò khác nhau như người khởi xướng, nhóm trưởng, thành viên, thậm chí là cộng tác viên. Do đó nếu vai trò của bạn thực sự có giá trị và điểm mạnh khi đưa vào CV. Hãy thể hiện nó.

Kiến thức và kỹ năng khi bạn tham gia vào các hoạt động ngắn hạn cũng là một điểm cần quan tâm. Thực sự không phải bất cứ việc nào cũng mang lại nhiều giá trị thực tiễn và ứng dụng được cho các bạn vào các công việc khác sau này.

Do đó việc chọn lựa để có thể học hỏi là rất quan trọng. Nếu thực sự các việc làm ngắn hạn trước đây của bạn không thu lại được gì nhiều và việc có nó trong CV có quan trọng hay không không là một vấn đề gì lớn, hãy bỏ nó ra.

Liên quan tới công việc ứng tuyển

Mối liên quan đến công việc mà bạn định ứng tuyển, ở đây ám chỉ đến việc bạn tham gia vào các dự án và việc làm ngắn hạn trước đây liệu có sự kết nối nào đến vị trí mà bạn định ứng tuyển hay không.

Kết nối ở đây là những kỹ năng tương đồng, môi trường làm việc tương đồng, sự tương đương về quy mô doanh nghiệp và loại hình hoạt động, thậm chí là kỹ năng hay khả năng sử dụng một phần mềm đặc thù phục vụ cho công việc.

Để nắm rõ yếu tố này, hãy đọc kỹ mô tả công việc của công ty mà bạn định ứng tuyển. Kiểm tra kỹ các thông tin liên quan đến mô tả công việc, yêu cầu công việc, các kiến thức kỹ năng yêu cầu. Nếu các công việc bạn làm thêm hay học việc trước đây hoàn toàn không có sự kết nối nào với những gì nhà tuyển dụng mô tả trong vị trí tuyển dụng, hãy mạnh dạn loại bỏ nó.

Độ dài CV của bạn

“Độ dài” CV của bạn không phải là chiều dài vật lý, mà là bề dày kinh nghiệm. Thời gian càng về gần đây, bạn càng trải nghiệm được nhiều và tốt hơn những gì thu hoạch được trong các việc làm ngắn hạn. Liệu có sự trùng lặp và không có điểm nhấn nào nếu bạn cho thêm các dữ kiện thực tập/ học việc vào CV?

Nếu những trải nghiệm sau này là trùng lặp và tốt hơn so với những gì bạn đạt được trước kia, hãy mạnh dạn loại bỏ những cái ngắn hạn trước kia ra khỏi CV của bạn.

Scroll to Top