Phỏng vấn online cần chuẩn bị những gì?

phỏng vấn qua mạng

Cần chuẩn bị những gì cho một buổi phỏng vấn online? Với ảnh hưởng của Covid 19 và sự phát triển của công nghệ, các buổi phỏng vấn không chỉ giới hạn gặp trực tiếp. Rất nhiều phần mềm ứng dụng có thể cho phép ứng viên lẫn người phỏng vấn gặp gỡ trao đổi qua điện thoại hoặc máy tính.

Cũng như phỏng vấn trực tiếp, phỏng vấn online cần có sự chuẩn bị phù hợp. Và sự thật ngạc nhiên hơn, là phỏng vấn qua mạng đôi khi cần nhiều sự chuẩn bị hơn hẳn phỏng vấn trực tiếp. Một số điểm có thể lưu ý chuẩn bị cho buổi phỏng vấn như sau:

Kiểm tra công nghệ sử dụng phỏng vấn online

Khi nhận được lời mời phỏng vấn. Hãy kiểm tra công nghệ mà doanh nghiệp phỏng vấn bạn sử dụng là gì? Bạn có quen thuộc hoặc đã từng sử dụng qua nó hay chưa? Đó có thể là Zoom, Skype,…

Nếu được quyền chọn lựa, bạn hãy chọn phần mềm nào bạn cảm thấy tự tin và sử dụng thường xuyên nhất. Nó giúp ích cho bạn rất nhiều trong việc đảm bảo cho việc phỏng vấn diễn ra được suôn sẻ. Tránh tình huống ngắt quãng trong việc phỏng vấn.

Nếu công nghệ công ty yêu cầu sử dụng bạn chưa từng sử dụng qua, hãy cài đặt và tập làm quen với nó trước. Không ít các tình huống phỏng vấn không đạt kết quả cao vì ứng viên không thể liên kết hoặc chia sẻ thông tin một cách hữu hiệu như khi gặp trực tiếp.

Ngoài ra hãy kiểm tra và đảm bảo pin điện thoại/laptop của bạn đã được sạc đầy đủ để sử dụng cho suốt buổi phỏng vấn.  

Hãy đảm bảo rằng bạn có thể liên kết với nhà tuyển dụng một cách suôn sẻ suốt buổi phỏng vấn.

Chọn nơi tham gia phỏng vấn online phù hợp

Nơi phỏng vấn online phù hợp bao gồm nhiều yếu tố mà bạn có thể cân nhắc như sự yên tĩnh, chất lượng của Internet, bàn ghế và vị trí ngồi.

Hãy đảm bảo không có tạp âm trong buổi phỏng vấn. Nhà tuyển dụng sẽ không thể hiểu hết những gì bạn nói nếu xem kẽ giữa câu trả lời là tiếng gọi của người khác, tiếng máy móc, nhạc,… Cố gắng chọn một không gian chỉ có mình bạn hoặc ít người nhất có thể, và thực sự yên tĩnh. Điều đó giúp kết nối câu chuyện giữa bạn và nhà tuyển dụng tốt hơn.

Và sẽ như thế nào nếu nơi bạn đang phỏng vấn có Internet không tốt. Không có gì khó chịu hơn một buổi phỏng vấn mà nhà tuyển dụng phải kết nối lại với ứng viên nhiều lần. Hãy kiểm tra chất lượng đường truyền trước khi phỏng vấn và đảm bảo rằng nó hoạt động ổn định.

Nếu buổi phỏng vấn dự kiến diễn ra lâu, cần chú ý đến nơi bạn sẽ ngồi phỏng vấn. Cần có bàn ghế phù hợp để bạn có một tư thế thoải mái khi ngồi phỏng vấn. Ngoài ra vị trí ngồi và yếu tố khác như ánh sáng rất quan trọng. Đảm bảo nơi bạn ngồi không quá sáng hoặc quá tối. Đủ để nhà tuyển dụng có thể nhìn thấy rõ bạn ở một tư thế ngồi thoải mái nhất.

Không sử dụng các công cụ tìm kiếm khi phỏng vấn

Trong suốt buổi phỏng vấn, nếu gặp câu hỏi bạn không chắc chắn, hãy mạnh dạn trả lợi theo những gì bạn cho là đúng. Tuyệt đối không sử dụng các công cụ tìm kiếm hoặc sách trong lúc phỏng vấn.

Bạn có thể gây ấn tượng xấu với nhà tuyển dụng nếu trong buổi phỏng vấn liên tục có tiếng bạn lật trang sách hoặc gõ bàn phím. Dù bạn có đang sử dụng bàn phím vào một mục đích nào khác chính đáng hay không, hãy lưu ý không được để tạp âm như vậy vào buổi phỏng vấn. Những người phỏng vấn hoàn toàn có thể đánh giá bạn không trung thực.

Trừ phi nhà tuyển dụng đồng ý bạn sử dụng máy tính trong buổi phỏng vấn. Nếu không hãy tránh xa bàn phím máy tính.

Chú ý đến ngôn ngữ cơ thể

Một trong các yếu tố khó nhận biết nhất giữa phỏng vấn qua mạng và phỏng vấn trực tiếp, đó chính là ngôn ngữ cơ thể. Nếu các nhà tuyển dụng nhạy bén, họ có thể tìm thấy sự bất thường của bạn từ chính ngôn ngữ cơ thể bạn thể hiện. Điều này khó khăn hơn nhiều khi phỏng vấn qua mạng.

Tuy nhiên đừng xem thường nó. Hãy cố gắng duy trì bản thân thoải mái với một ngôn ngữ cơ thể tích cực. Dù buổi phỏng vấn có sử dụng camera hay không, đảm bảo rằng bạn có những biểu hiện và hành vi cử chỉ phù hợp xuyên suốt buổi phỏng vấn. Ngôn ngữ cơ thể và hành vi, tâm trạng của bạn có ít nhiều mối quan hệ với nhau. Và nó ảnh hưởng đến câu trả lời trong buổi phỏng vấn.

Trang phục phù hợp

Bạn không cần mặc vest nếu buổi phỏng vấn không quá trịnh trọng. Bạn có thể chọn cho mình trang phục nào phù hợp nhất cho buổi phỏng vấn. Lưu ý đến người đối diện màn hình sẽ trông thấy những gì ở bạn.

Bạn hoàn toàn có thể mặc áo sơ mi và … quần đùi. Miễn là buổi phỏng vấn đó bạn sẽ không bao giờ đứng dậy hoặc bạn chắc chắn nhà tuyển dụng sẽ không bao giờ yêu cầu bạn làm điều đó.

Bắt nhịp kịp buổi phỏng vấn online

Dù là phỏng vấn qua mạng hay trực tiếp, hãy cố gắng bắt kịp nhịp của buổi phỏng vấn. Luôn lưu ý đến các câu hỏi của nhà tuyển dụng và đưa ra các câu trả lời phù hợp. Hãy tạo ra nhịp phỏng vấn sôi nổi bằng cách trả lời đầy đủ, chi tiết nhất có thể. Bên cạnh đó tạo thêm nhiều chi tiết mà nhà tuyển dụng có thể đào sâu.

Một kỹ năng cần luyện tập thường xuyên là kỹ năng lắng nghe. Khi bạn lắng nghe và hiểu được thực sự câu hỏi của nhà tuyển dụng, bạn hoàn toàn có thể đưa ra các câu trả lời phù hợp, đúng trọng tâm câu hỏi.

Hãy là chính bạn

Không có gì thất vọng hơn khi những gì bạn làm sau khi được nhận vào làm không giống những gì bạn thể hiện trong buổi phỏng vấn. Phỏng vấn tuyển dụng luôn có rủi ro. Đó có thể là ứng viên chọn sai công việc, cũng có thể là nhà tuyển dụng chọn sai người. Dù rủi ro là gì người chịu thiệt nhất vẫn là ứng viên.

Bạn có thể học thuộc và dùng nhiều mẹo vượt qua buổi phỏng vấn. Nhưng trong công việc bạn cần những kỹ năng và kiến thức phù hợp và đôi khi mất rất nhiều thời gian để tích lũy nó. Đặc biệt là các vị trí yêu cầu nhiều chuyên môn.

Hãy là chính mình, thể hiện những gì mình đã làm và những gì mình biết với nhà tuyển dụng. Hãy để nhà tuyển dụng có đầy đủ thông tin chân thực nhất về bạn.

Do đó bạn không cần chuẩn bị trả lời trước các câu hỏi trong buổi phỏng vấn. Chắn chắn là như vậy. Việc đó hoàn toàn không có tác dụng tích cực. Hãy cố gắng trả lời tự nhiên thay vì học thuộc bài. Phỏng vấn không phải là một buổi kiểm tra học thuộc lòng.

Chú ý sau buổi phỏng vấn

Đừng quên kết bạn với những người tham gia buổi phỏng vấn ngay sau khi buổi phỏng vấn kết thúc. Bạn có thể nhận được khá nhiều lời khuyên hoặc đánh giá với những gì bạn đã thể hiện.

Chúng ta không sợ sai nhưng lại có thể rất sợ mình không biết sai ở đâu. Nếu không được nhận cũng đừng thất vọng, và cố gắng xin phản hồi từ phía nhà tuyển dụng.

Scroll to Top