Cách viết đơn xin việc cho sinh viên

viết đơn xin việc

Viết đơn xin việc không phải là một yếu tố bắt buộc khi bạn ứng tuyển vào một vị trí. Đặc biệt khi bạn đã có một bề dày kinh nghiệm, hoặc khi hồ sơ ứng tuyển không yêu cầu. Tuy nhiên thông thường, các nhà tuyển dụng sẽ có ấn tượng tốt hơn về bạn nếu như bạn đính kèm một đơn xin việc bên cạnh CV hay hồ sơ của mình.

Đặc biệt với các bạn sinh viên, các bạn chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc. Đơn xin việc có thể coi là một trong các yếu tố để các nhà tuyển dụng có thể cân nhắc. Bố cục viết đơn xin việc có thể được trình bày dưới nhiều dạng khác nhau. Nhưng về cơ bản phải nêu bật lên được lí do tại sao các nhà tuyển dụng nên chọn bạn.

Mở đầu đơn xin việc

Theo tiêu chuẩn chung về những mẫu đơn. Bạn có thể tham khảo trên mạng rất nhiều mẫu đơn và áp dụng vào đơn xin việc. Tùy vào nơi bạn ứng tuyển để áp dụng mẫu đơn chung hoặc tự đánh máy. Bạn chỉ nên nộp đơn xin việc viết tay nếu doanh nghiệp yêu cầu.

Lưu ý rằng nơi nhận đơn xin việc của bạn rất quan trọng. Hãy kiểm tra tin tuyển dụng hoặc các thông tin chính thức về vị trí tuyển dụng để viết thông tin nơi nhận chính xác. Nếu các thông tin chung chung, bạn có thể gửi đến Phòng nhân sự Công ty … Thông thường đa số các doanh nghiệp, phòng nhân sự là nơi đầu tiên tiếp nhận các hồ sơ ứng tuyển.

Giới thiệu bản thân

Hãy nêu các thông tin cơ bản nhất về cá nhân bạn, một cách ngắn gọn nhất có thể.

Thông tin cá nhân trong đơn xin việc có thể bao gồm Họ và tên, ngày tháng năm sinh, địa chỉ, số điện thoại. Không nên đưa quá nhiều thông tin cá nhân vào đơn xin việc vì các nhà tuyển dụng có thể lấy nó từ CV của bạn. Thay vào đó hãy tập trung nhiều hơn vào những thứ mà CV của bạn khó thể hiện hết được.

Nêu thông tin, lí do bạn ứng tuyển vào công ty

Hãy cho nhà tuyển dụng biết bạn nhận được thông tin tuyển dụng của họ từ nguồn nào. Điều này khá quan trọng vì giúp các nhà tuyển dụng đánh giá được sự hiệu quả từ nguồn tin tuyển dụng.

Tiếp theo đó hãy để các nhà tuyển dụng hiểu được vì sao bạn không bỏ qua tin tuyển dụng đó và muốn ứng tuyển. Có hàng ngàn việc làm đăng tải mỗi ngày. Vậy lí do bạn chọn công việc đó để ứng tuyển là gì? Bạn cảm thấy công việc đó hấp dẫn ra sao?

Ở phần này với các bạn chưa có nhiều kinh nghiệm, lí do bạn đưa ra không thể là vì công việc phù hợp với bạn. Bạn chưa từng làm thì làm sao biết nó có hợp hay không. Thay vào đó hãy đưa ra các lí do hợp lý hơn như đã tìm hiểu rất nhiều về lĩnh vực đó. Có đam mê theo đuổi sự nghiệp trong ngành. Hoặc đôi khi là vì thấy ngành đó có triển vọng trong tương lai,…

Bất cứ yếu tố nào bạn thể hiện bạn đã tìm hiểu trước về công việc dự định ứng tuyển, hoặc bạn thực sự yêu thích nó đều nên đưa vào đơn xin việc. Thể hiện sự quan tâm nghiêm túc và có đam mê với công việc. Thái độ hơn trình độ. Đó là điều rất quan trọng cho các bạn chưa có kinh nghiệm.

Nhấn mạnh đến cá nhân bạn

Hãy nêu lên một chút về bạn sau khi đã thông báo lí do ứng tuyển. Bạn đã chuẩn bị cho công việc ứng tuyển như thế nào? Có thể nêu lên thông qua các khóa học, các bằng cấp chứng chỉ. Nêu lên sự quan tâm của bạn, các thông tin bạn thường cập nhật về ngành. Nêu lên ngắn gọn quá trình tự học của bạn về công việc ứng tuyển,…

Nếu bạn đã từng thực tập, từng học việc, hoặc bất cứ quá trình làm việc ngắn hạn nào đến vị trí ứng tuyển. Hãy mang nó vào đơn xin việc. Nhấn mạnh đến quãng thời gian đó. Làm nhà tuyển dụng thấy bạn có một chút kiến thức, trải nghiệm về công việc rồi.

Bất cứ điều gì cho thấy bạn ứng tuyển vì bạn đã có một sự lựa chọn và chuẩn bị từ trước là một điểm cộng. Để phần này viết được tốt, hãy tham khảo kỹ yêu cầu của vị trí, và chia nó ra làm nhiều phần nhỏ. Xem thử phần nào bạn đáp ứng được để nhấn mạnh vào nó.

Vậy, nếu bạn không có gì ở những điểm trên thì phải làm sao? Không sao cả. Miễn bạn nêu lên được tinh thần sẵn sàng học hỏi. Sẵn sàng làm việc nhiều hơn, học nhiều hơn, trải nghiệm nhiều hơn để có thể tiếp thu các kiến thức mới.

Mong muốn là một phần doanh nghiệp

Hãy cho nhà tuyển dụng thấy bạn khao khát công việc ra sao. Sự sẵn sàng của bạn đến đâu. Bạn có thể cống hiến thời gian của mình, toàn tâm với công việc, thậm chí tăng ca để học hỏi,… Và nhớ là nói được phải đi kèm với làm được bạn nhé.

Cuối cùng dù được nhận hay không, hãy nên cảm ơn công ty và nhà tuyển dụng đã dành thời gian đọc Hồ sơ và Đơn xin việc của bạn.

Scroll to Top