Thực sự hiện tại việc nhận biết giữa các chứng chỉ bằng cấp chính quy, và các khóa học không bắt buộc (các khóa học ngắn hạn) vẫn khá mơ hồ. Tuy nhiên, nếu các bạn lựa chọn đúng các khóa học ngắn hạn để theo đuổi và đưa vào CV, nó sẽ mang lại rất nhiều lợi ích.
Nhìn chung các chứng chỉ bằng cấp chính quy nằm trong nhóm “học vấn” của các bạn. Nói cách khác nó giúp cho bạn đáp ứng được “tiêu chí cơ bản” nhất của yêu cầu tuyển dụng.
Vì số lượng học viên của mỗi khóa học chính quy hàng năm tốt nghiệp ra trường là khá lớn nên nhóm “học vấn” này không phải là một trong các yếu tố quyết định cho việc bạn được lựa chọn. Nó chỉ thể hiện bạn đã hoàn thành một chương trình chính quy nào đó và đủ năng lực cho các bước sàng lọc xét tuyển tiếp theo.
Các khóa học ngắn hạn, không bắt buộc là một nhân tố bổ sung cho các nhà tuyển dụng trong việc sàng lọc và xét duyệt hồ sơ.
Các lớp học “không nằm chính quy ở trường” này cung cấp cho các bạn những lợi thế trong việc ứng tuyển. Có thể trong một số công việc bạn chưa có kinh nghiệm thực tiễn, nhưng các nhà tuyển dụng luôn đánh giá cao những ứng viên có sự định hướng và đầu tư vào lĩnh vực chuyên môn liên quan công việc vị trí ứng tuyển.
Nó thể hiện thái độ nghiêm túc theo đuổi một công việc trong một lĩnh vực nào đó. Bạn có thể tưởng tượng có hai ứng viên khá giống nhau, một bạn khi được hỏi về kinh nghiệm trả lời rằng em chưa bao giờ làm qua việc đó nhưng nếu được công ty nhận em sẽ nỗ lực học hỏi.
Bạn còn lại cũng câu hỏi đó nhưng phản hồi lại nhà tuyển dụng là em chưa bao giờ làm qua công việc đó nhưng em đã tìm hiểu và đã học về nó thông qua các khóa học ngắn hạn/ tự học/ hỏi các anh chị đã từng làm. Dĩ nhiên bạn sau sẽ là một ứng cử viên sáng giá hơn rồi.
Ngoài ta hãy tưởng tượng bạn ứng tuyển một vị trí yêu cầu một kiến thức/ kỹ năng cụ thể và trong CV của bạn thể hiện là bạn đã học về nó, hiểu về nó, có thể vận dụng trong công việc.
Đây là một trong các yếu tố rất quan trọng và nhiều bạn ứng viên thường hay bỏ qua. Chúng ta có rất nhiều thứ đã từng học bên ngoài nhà trường nhưng vì lí do chủ quan, chúng ta cho rằng chúng không thực sự quan trọng để đưa vào CV. Đó thật sự là một nhận định sai sót và làm mất đi cơ hội của các bạn rất nhiều.
Vì rằng không phải nhà tuyển dụng nào cũng am hiểu được toàn bộ mọi kiến thức hay bộ kỹ năng công việc mà ngành của bạn yêu cầu, nên nếu bạn đang sở hữu một điều gì đó cần học chuyên sâu, hãy thể hiện nó ra.
Kỹ năng lập trình ngôn ngữ X, Kỹ năng thiết kế đồ họa dựa trên phần mềm Y, Kiến thức về 7 công cụ quản lý chất lượng, Lean – Sản xuất tinh gọn, 5S, Kaizen, Chế biến món Hoa, Kỹ năng phỏng vấn tuyển dụng,…
Rất nhiều những thứ hay ho nằm bên ngoài phạm vi nhà trường bạn đã được học trong quá trình tự tìm hiểu cũng như được các công ty trước cử đi học nhưng bạn hầu như đã quên đưa nó vào trong CV của bạn. Đây là một trong những thiếu sót mà tôi thấy thường gặp phải nhất trong hầu hết các CV liên quan đến phần Học vấn và Kỹ năng.
Hiện nay các trung tâm đào tạo các kiến thức chuyên môn hoặc các chuyên đề đang ngày càng làm tốt hơn trong việc thu hút học viên. Hầu như ở các lĩnh vực tăng trưởng tốt và là trọng tâm phát triển, chúng ta có thể dễ dàng tìm được các trung tâm đào tạo.
Ngành dịch vụ du lịch có các khóa học ngắn hạn về bếp, lễ tân, nhà hàng, buồng phòng,.. Ngành IT có các khóa học về lập trình. Ngành sản xuất có các khóa đào tạo như Quản lý chất lượng, ISO,… Tùy thuộc vào định hướng và đam mê của các bạn, mỗi người có thể chọn cho mình một khóa học ngắn hạn từ tổng quát đến chuyên sâu vào một chủ đề để học hỏi thêm kiến thức.
Bạn có thể học trung tâm hoặc tự học thông qua các tài liệu trên mạng và tìm hiểu từ người đi trước, những người có kiến thức và chuyên môn về lĩnh vực mà bạn đang quan tâm. Hoặc nếu Tiếng Anh của bạn tốt, bạn hoàn toàn có thể săn các khóa học ngắn hạn miễn phí trên mạng từ Coursera, Alison, Udemy,…