Điểm yếu của bản thân bạn là gì? Đây là một trong các câu hỏi phỏng vấn thường gặp. Mỗi người đều có những tư chất, quá trình học tập, phát triển khác nhau. Từ đó hình thành nên những thói quen, những tư duy và nhận định. Môi trường sống và sự giáo dục ảnh hưởng rất lớn đến chúng ta.
Để tìm kiếm được một công việc làm, bạn cần hiểu được bạn khác với những người xung quanh ra sao. Từ đó có thể nhận định chính xác bản thân, công việc phù hợp, môi trường phù hợp.
Một trong các câu hỏi được tìm kiếm khá nhiều: Bạn nhận xét thế nào về bản thân? Điểm mạnh của bạn là gì? Điểm yếu của bạn là gì? Và vô số các mẹo, các hướng dẫn trả lời, các lí do nêu lên để bạn có thể trả lời đúng nhất. Nhưng tiếc rằng chả có câu trả lời nào đúng ở đây cả.
Đó là vì nó cũng là một trong những câu hỏi để bạn tự nhận xét bản thân, về cá nhân mình. Trả lời câu hỏi đó cũng là trả lời cho chính bạn, rằng bạn khác với những người khác như thế nào.
Một trong các mẹo là hãy nói về khuyết điểm như là một ưu điểm bản thân. Hoặc hãy nói khuyết điểm của bạn như là một điểm cộng. “Nhiều khi quá say mê làm việc, không chú ý thời gian”. “Cầu toàn nên quá chú trọng từng điểm nhỏ”. Những chia sẻ này phải chăng từ những người làm nhân sự ?
Một sự thật đáng buồn rằng sẽ chẳng có một câu trả lời đúng. Tại sao. Vì những gì chung chung, có thể phù hợp với hoàn cảnh này nhưng không phù hợp hoàn cảnh khác. Thế giới có vô số công việc và không ai có đủ khả năng để am hiểu tất cả. Mỗi người chỉ hiểu sâu sắc được một phần trong đó.
Do đó, trả lời cho câu hỏi bạn khác người khác như thế nào? Điểm mạnh, điểm yếu của bạn là gì? Hãy đi từ chính bạn và thực sự từ chính quá trình học tập, làm việc hàng ngày mà rút ra. Chỉ bạn mới có được đáp án đúng nhất cho chính bạn.
Có thể một số cảm thấy nếu trả lời không hay thì sẽ bị đánh rớt. Mất cơ hội việc làm. Nhưng trả lời hay cũng chưa chắc giúp bạn có thêm xác suất đậu nào cả. Vì những nhà tuyển dụng tìm kiếm những người phù hợp nhất, không phải những người trả lời hay nhất.
Bạn tự biết được bản thân khác mọi người ra sao còn giúp ích được rất nhiều trong quá trình định hướng công việc phù hợp. Vì tính cách và kỹ năng hình thành trong một thời gian rất lâu. Nó mang tính bền vững và sẽ mất rất nhiều thời gian để nâng cao, thay đổi. Chọn một việc mà bạn hoàn toàn không phù hợp sẽ khiến cả bạn và người chọn cùng đau khổ.
Bạn đau khổ vì bản thân không phù hợp với công việc. Vì những gì bản thân cảm thấy thoải mái không nằm trong chính công việc đó. Vì bạn nhìn thấy những người làm việc tương tự trước đây kiếm được rất nhiều tiền, dễ thăng tiến,.. nên nhất quyết muốn theo đuổi. Nhưng khi làm rồi mới thấy mình không phù hợp.
Hãy hiểu rõ bản thân và tìm hiểu kỹ về công việc bạn định ứng tuyển, để xem thực sự bạn có thấy thoải mái khi làm nó không. Mỗi ngày bạn giành 8 tiếng cho công việc và nếu bạn thực sự chán ghét nó, đó sẽ là một thảm kịch đối với bạn
Những người chọn bạn cũng sẽ rất đau khổ vì thấy kết quả công việc bạn có thể không được như ý muốn. Vì bạn cảm thấy không vui khi đến nơi làm việc. Hoặc vì họ đã hỗ trợ hướng dẫn bạn rất nhiều nhưng dường như không có kết quả rõ ràng,… Có vô số những lí do chọn sai người khiến các doanh nghiệp đau đầu.
Nếu bạn giỏi cái gì nhất, hãy làm nó và từ từ phát triển cải thiện những điểm chưa tốt. Sẽ khó để tuyển dụng một nhân sự hoàn toàn không phù hợp với một công việc. Và sẽ thật hạnh phúc khi chọn đúng người có các tố chất kỹ năng phù hợp và có thể phát triển.
Trả lời cho câu hỏi điểm yếu của bạn là gì, hãy thành thật. Hãy cho những người phỏng vấn bạn biết được những gì bạn không thực sự xuất sắc, hoặc không muốn làm. Một công việc không chỉ đơn thuần nằm trên mô tả hay trên các bản tin tuyển dụng. Nó còn là tập hợp phức tạp của văn hóa doanh nghiệp, của sự phối hợp, hợp tác, phong cách làm việc,…
Thà rằng chân thành nói ra những gì bạn cần cải thiện hoặc chưa thực sự tốt, để cả hai phía bạn và người phỏng vấn cùng tìm ra tiếng nói chung. Còn hơn bạn tìm tất cả các mẹo để trả lời câu hỏi xuất sắc nhất và qua mặt nhà tuyển dụng. Bạn hoàn toàn có thể qua mặt họ vì rất nhiều ứng viên thông minh. Nhưng điều gì có thể đảm bảo cho bạn có một tương lai công việc hạnh phúc về sau này?
Và nếu bạn hoàn toàn không có điểm yếu, ai sẽ tin bạn? Nhân vô thập toàn. Nếu điều gì quá tốt đẹp cũng thường ẩn chứa bên trong nhiều sự vô lý. Không có công việc hoàn hảo, không có môi trường hoàn hảo. Và chắc chắn rằng không có con người hoàn hảo.
Vậy nên hãy dành thời gian hiểu rõ về chính bạn, lựa chọn công việc bạn yêu thích, và chia sẻ với nhà tuyển dụng. Đừng sợ bị đánh mất cơ hội vì những gì bạn chưa thực sự tốt. Vì sẽ không có một ứng viên nào hoàn toàn đáp ứng được 100% yêu cầu nhà tuyển dụng đề ra.