Thời gian thử việc sẽ là một khoảng thời gian mà bạn sẽ chứng minh cho doanh nghiệp thấy mình phù hợp với vị trí ứng tuyển. Thông thường tùy thuộc vào vị trí bạn làm việc, trình độ chuyên môn yêu cầu mà thời gian thử việc của mỗi vị trí sẽ không giống nhau. Thời gian thử việc tối đa sẽ tuân theo quy định pháp luật.
Nội dung bài viết
Liên quan đến người lao động trong quá trình thử việc
Tại sao lại cần thời gian thử việc?
Phỏng vấn tuyển dụng chỉ là một quá trình mà ở đó nhà tuyển dụng và ứng viên có một thời gian ngắn để trao đổi với nhau. Và tất nhiên làm việc là cả một quá trình nhưng phỏng vấn thì chỉ một khoảng thời gian ngắn. Sẽ có những sai số trong việc tìm hiểu ứng viên một cách toàn diện để biết chắc rằng họ phù hợp với công ty và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, ứng viên cũng sẽ khó khai thác được quá nhiều thông tin từ nhà tuyển dụng. Những gì được đăng trên các tin tuyển dụng, mô tả công việc,.. đều không thể nào phản ánh hoàn toàn công việc. Người lao động cần được làm thử và hòa mình vào công việc một thời gian để biết đó có đúng là công việc họ mong muốn.
Do đó thời gian thử việc được xem là một khoảng thời gian tìm hiểu của hai bên, doanh nghiệp lẫn người lao động.
Bạn sẽ nhận được những gì trong thời gian thử việc?
Thời gian thử việc sẽ cung cấp cho người lao động những gì họ cần biết về công việc họ sẽ làm. Họ sẽ được quyền làm, được học hỏi, tìm hiểu và kiểm tra lại sự phù hợp giữa bản thân và công việc.
Bên cạnh đó những vấn đề về thu nhập, phúc lợi đa số sẽ không thể bằng lúc bạn vào làm chính thức. Thử việc là giai đoạn thích nghi và bạn chưa thể tạo ra giá trị lớn cho doanh nghiệp. Mức lương thử việc sẽ tùy thuộc từng doanh nghiệp, và được điều chỉnh bởi quy định pháp luật. Bạn nên tìm hiểu những thông tin này.
Bên cạnh đó tùy thuộc vào doanh nghiệp, trong thời gian thử việc bạn vẫn có thể sẽ được hưởng những chế độ như nhân viên chính thức. Tuy nhiên mức hưởng phúc lợi này có thể ở một mức thấp hơn. Quá trình Onboarding thường sẽ cung cấp cho bạn về những thông tin này. Nếu không hãy tìm hiểu từ những người làm nhân sự trong công ty.
Bạn có được nghỉ việc trong thời gian thử việc hay không?
Khi đã thử việc một thời gian nhưng bạn cảm thấy không phù hợp, hoặc bạn có một đề nghị khác tốt hơn. Bạn có quyền chấm dứt việc thử việc. Và bạn phải thông báo cho người lao động biết thông tin này.
Bạn không cần thời gian báo trước khi nghỉ việc quá dài. Một số doanh nghiệp có thể kỳ vọng bạn báo trước một thời gian rất ngắn chủ yếu để làm các thủ tục liên quan bàn giao khi nghỉ việc. Hãy nhớ thông báo đến họ rằng bạn không còn muốn tiếp tục làm việc ở doanh nghiệp nhằm tránh các rắc rối về sau này.
Bạn kết thúc thời gian thử việc ra sao?
Thông thường trước khi kết thúc thời gian thử việc của bạn một vài hôm, có thể vài tuần, người quản lý trực tiếp của bạn sẽ có buổi trao đổi đánh giá về quá trình thử việc của bạn.
Nếu bạn có những biểu hiện tốt và phù hợp với doanh nghiệp, bạn sẽ được nhận làm chính thức. Tuy nhiên nếu bạn thực sự không phải là người doanh nghiệp cần, quản lý cũng sẽ chia sẻ cho bạn.
Vậy nếu họ im lặng thì sao? Nếu đến ngày cuối cùng của quá trình thử việc bạn vẫn chưa nhận được bất cứ thông báo nào, hãy chủ động trao đổi với người quản lý đánh giá bạn. Dù kết quả ra sao bạn cũng cần có sự rõ ràng để có những chuẩn bị tiếp theo.
Không phải doanh nghiệp nào cũng sẽ có buổi trao đổi, chia sẻ, đánh giá, nhận xét nhân viên trong quá trình thử việc. Nhưng một thông báo về việc có tiếp tục hợp tác với người lao động nữa hay không là tối thiểu cần có.
Những điều người sử dụng lao động có thể cung cấp trong thời gian thử việc
Không một doanh nghiệp nào giống doanh nghiệp nào về quá trình tiếp nhận nhân sự mới. Tuy nhiên đa số các doanh nghiệp sẽ thực hiện một số điểm chung như sau
Đặt ra những mục tiêu và kỳ vọng
Đa số các doanh nghiệp sẽ có những mục tiêu về công việc dành cho người mới. Trong đó nêu rõ các nhiệm vụ, trách nhiệm mà bạn cần thực hiện.
Đôi khi mục tiêu và kỳ vọng này không hoàn toàn trùng khớp với mô tả công việc của bạn hoặc những nội dung đăng tải trên mạng. Nó phụ thuộc vào cơ cấu nhân sự của phòng vào thời điểm đó, và nội dung công việc cũng có thể được điều chỉnh theo khả năng cũng như đánh giá của những nhà tuyển dụng về bạn lúc phỏng vấn.
Bạn cần bám sát và thực hiện, hoàn thành các mục tiêu này để đảm bảo quá trình thử việc có được một đánh giá tốt.
Tương tác, theo dõi nhân viên mới thường xuyên
Là một nhân viên mới, bạn sẽ cần những người đi trước kèm cặp và hướng dẫn. Các doanh nghiệp thông thường sẽ phân công một hoặc một vài đồng nghiệp hướng dẫn bạn. Thậm chí người hướng dẫn bạn đôi khi có thể là cấp trên trực tiếp.
Tuy nhiên bạn hãy lưu ý rằng họ cũng có những nội dung công việc khác cần làm bên cạnh hướng dẫn việc cho bạn. Do đó hãy cố gắng ghi chép lại những gì được hướng dẫn và nhanh chóng nắm bắt, áp dụng ngay vào trong công việc.
Đôi khi những người hướng dẫn cho bạn sẽ có tác động không nhỏ đến việc đánh giá quá trình thử việc của bạn.
Cung cấp các hướng dẫn trong quá trình thử việc
Không chỉ phân công người hướng dẫn, một số doanh nghiệp lớn có thể viết những quy trình làm việc thành các SOP để hỗ trợ cho người mới. Đó là một bộ các quy chuẩn hướng dẫn công việc, các mốc thời gian cần hoàn thành công việc định kỳ,… mà người mới cần tìm hiểu nắm bắt.
Nếu doanh nghiệp của bạn có những tài liệu như vậy, hãy cố gắng tiếp cận và học từ nó. Tìm hiểu từ tài liệu trước, với những nộidung bạn còn chưa hiểu hoặc chưa nắm rõ, bạn hoàn toàn có thể nhờ sự trợ giúp từ những người khác.
Lưu ý hãy đảm bảo bạn có những tài liệu hướng dẫn công việc mới nhất. Một số nội dung công việc có thể thay đổi nhưng nếu các hướng dẫn chưa được cập nhật, bạn hoàn toàn có thể thao tác hoặc làm sai so với những gì được kỳ vọng.
Đánh giá lại tình hình đội nhóm hiện tại
Mỗi cá nhân thông thường sẽ có những bộ kỹ năng, điểm mạnh và điểm yếu rất khác nhau. Thông qua quá trình thử việc, cấp trên của bạn hoàn toàn có thể đánh giá lại và phân chia lại công việc cho mọi người trong nhóm.
Do đó hãy đảm bảo bạn có một điểm mạnh hoặc một yếu tố nào đó nổi trội hơn so với các thành viên khác. Tất nhiên yếu tố này không cần quá to lớn, và phải phục vụ được cho việc tạo ra giá trị trong công việc. Bạn sẽ được thừa nhận và là một thành phần, nhân tố mới của đội nhóm hiện tại.
Ra quyết định về quá trình thử việc
Dù có tiếp tục hợp tác với bạn nữa hay không, doanh nghiệp sẽ luôn cần thông báo cho bạn biết. Sau tất cả những gì bạn đã cố gắng và thể hiện trong quá trình thử việc, bạn sẽ nhận được các đánh giá và nhận xét về mình.
Nếu bạn không phù hợp với công việc, hãy mạnh dạn hỏi về những điểm bạn cần khắc phục để từ đó có hướng tự trau dồi cho bản thân trong tương lai. Nếu bạn được trở thành nhân viên chính thức, bạn cũng cần biết những điểm nào bạn cần cố gắng hơn để tạo ra nhiều giá trị hơn trong công việc của mình.
Giao tiếp một cách thẳng thắn sẽ là một điều rất quan trọng mà bạn cần và nên nhận được sau quá trình thử việc.