Bố cục trình bày CV rất quan trọng đối với ứng viên lẫn nhà tuyển dụng.
Nội dung bài viết
Nhà tuyển dụng không soi từng chữ trong CV
Trong quá trình làm việc cũng như được nghe chia sẻ từ các bạn đồng nghiệp trong ngành nhân sự, hiếm khi nào tôi nhận được lời khuyên là hãy đọc trọn vẹn thật kỹ từng câu từng chữ của ứng viên.
Thậm chí các bài giảng về tuyển dụng cũng đưa ra khái niệm “sàng lọc hồ sơ”. Đó là một quá trình ngắn gọn để các bạn có thể hình dung, là đọc thật nhanh CV, hiểu được các thông tin trên CV một cách chính xác càng nhanh càng tốt, và có khả năng nhận định được rằng CV đó đối với công việc mà công ty đang tuyển dụng thích hợp được bao nhiêu phần.
Thực sự chúng ta cần có một sự thông cảm với các nhà tuyển dụng về việc không thể đọc kỹ từng câu từng chữ của các bạn vì khối lượng công việc ảnh hưởng khá lớn đến thời gian và kỹ năng xử lý của họ. Nếu bạn là một chuyên gia hoặc ứng tuyển các vị trí quản lý, tôi tin rằng các nhà tuyển dụng sẽ giành nhiều thời gian cho CV của các bạn hơn.
Tuy nhiên đa số chúng ta đều không phải thuộc đối tượng nêu trên, và việc cạnh tranh cho một công việc hiện tại là khá cao. Do đó bố cục trình bày CV phù hợp và “mang tính hỗ trợ” cho người đọc có thể nhanh chóng khai thác được thông tin sẽ là một yếu tố làm tăng tính cạnh tranh của các bạn trong quá trình tìm việc làm.
Bố cục CV hợp lý
Thông tin cá nhân
Theo quan điểm cá nhân tôi, một bố cục trình bày CV rõ ràng sẽ có các mục lớn được xếp theo thứ tự: Thông tin cá nhân, Học vấn và kỹ năng, Kinh nghiệm làm việc, Các kết quả nổi bật/thành tựu đạt được (không bắt buộc) và Người tham khảo (Nên có phần này).
Trong các nhóm mục lớn, các bạn nên chia các nhóm mục nhỏ thành từng cụm theo thuộc tính.
Thông tin cá nhân có thể phân thành các nhóm như thông tin không thay đổi mang tính pháp lý chẳng hạn Họ và tên, Ngày tháng năm sinh, Địa chỉ thường trú, Số Hộ chiếu/CMND/Căn cước công dân. Nhóm các yếu tố có thể thay đổi như Địa chỉ liên hệ, Tình trạng hôn nhân, Cách thức liên hệ vào một nhóm mục.
Nó cho người đọc dễ dàng có được các thông tin từ đơn giản căn bản mà mọi ứng viên nào cũng có. Đa số các thông tin trong phần này mang tính nhân khẩu.
Học vấn, kỹ năng
Để trình bày CV ở nhóm mục Học vấn và kỹ năng, bạn hoàn toàn có thể chia thành các nhóm nhỏ theo thứ tự gồm Học vấn (Chứng minh kiến thức thu thập được trên ghế nhà trường), Kỹ năng (Những gì bạn thu thập được qua quá trình rèn luyện, tương tác, va chạm thực tế) và Chứng chỉ bằng cấp (Các chứng nhận bạn đã hoàn thành các khóa học ngắn hạn, hoặc đạt được mức độ thông thạo ngang một phần nào đó của một chương trình).
Thứ tự phân chia này cho thấy các thứ tự ưu tiên từ mang tính phổ thông cho đến nâng cao. Nếu xem như học vấn là một thông tin mang tính phổ thông vì mọi cá nhân tìm việc làm đa số đều đã hoàn thành tối thiểu các chương trình giáo dục phổ cập, thì kỹ năng và chứng chỉ bằng cấp cho thấy thông tin ở mức độ nâng cao hơn về sự lựa chọn và định hướng của các bạn trong việc phát triển nâng lực. Nó mang tính tự chọn nhiều hơn là bắt buộc.
Kinh nghiệm cá nhân
Nhóm mục kinh nghiệm cá nhân tôi đề xuất nên chia theo các công ty với thứ tự thời gian tăng dần, các công việc vừa mới làm đặt trước các công việc đã làm lâu trước đó. Đối với nhóm mục Các kết quả nổi bật/thành tựu đạt được và Người tham khảo, có thể phân chia bố cục tương tự như kinh nghiệm làm việc.
Tại nhóm mục này thứ tự được phân chia ngược từ những gì bạn làm gần đây đến những gì đã làm xa hơn, lí do thực sự là những kinh nghiệm về vị trí công việc bạn vừa làm ở các mốc thời gian gần sẽ được ghi nhớ tốt hơn, và mang tính rèn luyện thường xuyên hơn so với các mốc thời gian ở xa khác.
Ngoài ra mỗi công việc đều cung cấp cho bạn một sự phát triển nhất định, do đó các kinh nghiệm càng gần càng cho thấy bạn đã phát triển được đến đâu. Nếu bạn không thường xuyên chuyển việc và các công việc đó không liên quan nhau, kiên trì với đam mê ở một lĩnh vực nhất định thì năng lực ở lĩnh vực đó cũng sẽ được tích lũy tăng dần theo thời gian.
Do đó việc thể hiện công việc gần nhất của bạn cũng sẽ cho thấy kỹ năng tổng hợp và phát triển tốt đến thế nào. Nó sẽ khác xa với những gì mà bạn thể hiện ở công việc đầu tiên mà bạn có được.