Đa số các bạn sinh viên tìm việc làm lần đầu đều rất bỡ ngỡ khó khăn. Tìm việc làm là một quá trình mà hầu như chúng ta ít ai có nhiều kinh nghiệm.
Nội dung bài viết
Chúng ta không có kinh nghiệm tìm việc
Sở dĩ có thể nói chúng ta đều không có nhiều kinh nghiệm tìm việc làm, vì kinh nghiệm được xây dựng trên thời gian và những sai lầm. Mà các câu chuyện về tìm việc làm tại các doanh nghiệp lại ít được chia sẻ.
Bạn chả biết được vì sao phỏng vấn hay ứng tuyển không đạt đâu, thường là vậy. Và nếu các bạn cứ sai lầm mãi thì các bạn khó có được việc làm như mong muốn mặc dù khả năng của bạn là rất ổn. Mỗi con người trong sự nghiệp chắc cũng không làm cho hơn 10 công ty. Do đó nếu tính về kinh nghiệm tìm việc làm, chúng ta chỉ có vỏn vẹn … không quá 10 lần.
Từng làm công tác nhân sự, chủ yếu là tuyển dụng cho các doanh nghiệp từ vài trăm đến vài chục ngàn người, mà nếu nói tên ra hầu hết các bạn đều nhận diện được thương hiệu. Nhưng một điều tôi thấy được là đa số các bạn ứng viên đều chưa thật sự có nhiều kinh nghiệm trong việc tìm kiếm công việc.
Có nhiều những lỗi chúng ta dễ mắc phải
Đôi khi những cơ hội bị bỏ qua cũng chỉ vì những lí do rất oái ăm mà ít tai nghĩ là có thể xảy ra. Tất nhiên chúng ta hoàn toàn không biết vì sao mình không được chọn. Chẳng nhà tuyển dụng nào email lại cho từng ứng viên giải thích chi tiết tại sao họ lại không phù hợp. Tìm việc làm là một kỹ năng và đôi khi năng lực bạn tốt những kỹ năng này của bạn chưa tốt, bạn vẫn đánh mất nhiều cơ hội lắm.
Trong một buổi trao đổi với các bạn thực tập sinh sau khóa thực tập, các bạn chia sẻ rằng thực sự các bạn không biết khởi đầu quá trình tìm việc làm ra sao, và bắt đầu thế nào. Mọi thứ đều rất mông lung và cần tìm những chia sẻ thực tế. Tôi cũng đã dành thời gian chia sẻ và trao đổi với các bạn khá nhiều thông tin, nhưng dường như hai tiếng trò chuyện là không đủ.
Do đó, đó cũng là động lực để tôi viết ra những gì tôi học hỏi được và được chỉ dẫn từ nhiều người đi trước. Mong muốn những bài viết này sẽ mang lại một chút gì đó thực tế và sâu sát hơn với những người tìm việc làm về những vấn đề của họ. Hoặc có thể là những người đang có việc nhưng mong muốn có những sự thay đổi, những cơ hội mới trong tương lai. Có thêm một nguồn tham khảo vẫn tốt hơn trong quá trình tìm việc làm.
Vì khả năng trình bày có hạn cũng như thời gian, và một bài viết quá dài có thể khiến các bạn đọc ngán ngẩm, mỗi bài viết của tôi chỉ là một mục nhỏ, rất nhỏ nhưng cố gắng chi tiết nhất có thể.
Đa phần trong quá trình làm việc có một vấn đề phát sinh, tôi ghi chép lại và chuyển nó về thành những đúc kết trong bài viết. Để nếu các bạn gặp một vấn đề nào đó, thông qua công cụ tìm kiếm trên chính trang chủ website, các bạn có thể tìm kiếm được phần nào câu trả lời cho mình.
Không chắc các bài viết sẽ luôn đúng, vì tôi chưa làm qua toàn bộ các loại hình doanh nghiệp nên kiến thức cũng có hạn, chỉ là chia sẻ góc nhìn thôi. Và bài viết này tôi sẽ tóm lược sơ lại về những gì tôi muốn truyền tải ở phần đầu tiên – “Câu chuyện về tìm việc làm” để các bạn dễ hình dung.
Chính vì ý tưởng viết bài trên blog của tôi bắt nguồn là từ các bạn thực tập sinh, nên phần đầu tiên hầu như chia sẻ rất nhiều những thông tin và kinh nghiệm dành cho các bạn trẻ mới ra trường. Nó cũng phù hợp với những bạn chưa có nhiều kinh nghiệm tìm việc.
Thời điểm phù hợp
Ý tưởng đầu tiên tôi muốn chia sẻ chính là thời điểm nào thì phù hợp để tìm việc làm. Thời điểm tốt nghiệp được xem là một mốc rất quan trọng của các bạn sinh viên trong quá trình tìm việc. Và tìm việc trước, trong hay sau tốt nghiệp là một câu hỏi có thể nhiều bạn sẽ quan tâm.
Nhưng thực sự đó chỉ là một yếu tố mà chúng ta nên cân nhắc, vì để biết được khi nào dễ tìm việc làm thành công, chúng ta cần biết được nhu cầu của các doanh nghiệp. Tại sao các doanh nghiệp lại cần nhu cầu nguồn nhân lực vào những thời điểm nhất định.
Do đó các bạn cũng cần hình thành cho mình một chút thông tin hay khái niệm về mùa tuyển dụng của các doanh nghiệp nhằm nắm được thông tin thị trường việc làm. Thông thường nếu tìm việc làm đúng vào lúc các doanh nghiệp đang cần nguồn nhân sự, chúng ta sẽ dễ có cơ hội phỏng vấn thành công hơn. Vì không phải doanh nghiệp nào cũng tuyển nhân sự quanh năm suốt tháng. Tìm việc làm nên biết một chút về điều này.
Nhưng nhiêu đó thôi là chưa đủ, chúng ta cần quan tâm đến tính cạnh tranh trên thị trường việc làm vào mỗi thời điểm khác nhau ra sao. Và mỗi bạn có những yếu tố nào giúp mình trở nên nổi trội để vượt qua được các ứng viên khác.
Điều đó khá quan trọng. Cạnh tranh càng cao thì khả năng tìm việc làm càng thấp, nhưng nếu bạn có một điểm nào đó nổi trội hơn ứng viên khác. Đó lại không còn là vấn đề gì quá to lớn nữa. Nên xem lại mình có những gì là lợi thế cạnh tranh thôi.
Thực tập và học việc
Một số bạn trẻ nhanh trí có thể tìm luôn việc làm khi còn đang đi thực tập ở học kì cuối cùng. Tôi cũng nhận được kha khá các email hỏi về việc công ty có tuyển dụng những bạn đang chờ tốt nghiệp hay không, chưa có bằng có được nhận hay không. Và câu trả lời đa số sẽ nằm tại đây.
Một yếu tố quan trọng cần cân nhắc là đánh giá xem việc học có ảnh hưởng đến công việc đang làm hay không. Và tại một số doanh nghiệp lớn có tổ chức các chương trình Management Trainee thì các bạn cũng nên tham khảo và có cơ hội thì nên tham gia nếu đáp ứng được các yêu cầu. Nó thực sự tạo ra được thêm nhiều cơ hội cho các bạn tìm việc làm ngay từ khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường đấy.
Với các bạn sinh viên lẫn một số bạn chưa có nhiều kinh nghiệm, thực tập hay học việc là hai khái niệm mà các bạn nên phân biệt và quan tâm. Và trên hết là cần hiểu được khi nào là thời điểm phù hợp và mục đích để thực tập/học việc.
Nó thực sự bổ ích đối với những bạn chưa có nhiều kinh nghiệm hay trải nghiệm về một công việc. Nhưng chỉ khi các bạn có các mục tiêu thực tập/ học việc rõ ràng, và cố gắng tuân thủ theo nó. Khi đó bạn mới thành công.
Với những bạn chưa có nhiều kinh nghiệm thì học việc cũng không là một lựa chọn tồi đâu. Nó có thể là một bước đệm để trở thành nhân viên trong quá trình tìm việc làm đấy. Nhưng để được chọn sau khi thực tập/ học việc xong, tìm việc làm thành công ngay tại chính doanh nghiệp, các bạn cần hiểu các yếu tố nào sẽ quyết định đến việc này.
Mà đôi khi một số bạn không phải tích lũy được kiến thức, kinh nghiệm thực tế chỉ nhờ thực tập và học việc. Sinh viên thì nhiều bạn đi làm thêm ngay từ trong lúc còn đang đi học lắm. Nhưng mà chọn được công việc làm thêm phù hợp, phát triển kỹ năng thì không phải ai may mắn cũng lựa chọn trúng.
Đó là chưa kể phân phối thời gian sao cho phù hợp nữa. Ham làm thêm quá mà rớt môn hay học lại, tốt nghiệp trễ,.. thì cũng không nên lắm các bạn nhỉ. Nếu ra trường kịp lúc mà tìm được việc thì thu nhập gấp mấy lần làm thêm ấy chứ. Đó là cá nhân tôi nghĩ vậy. Nhiều bạn yêu trường chưa muốn rời xa thầy cô sớm thì tôi không chắc mình chia sẻ đúng không.
Chuẩn bị CV thật tốt
Trước khi tìm việc ở đâu bạn cũng nên chuẩn bị một CV thật tốt. Bạn có thể tham khảo bài viết tổng hợp về cách viết CV chi tiết từng chút một TẠI ĐÂY. Những bạn chưa bao giờ đi làm hay đã đi làm mà muốn chỉnh lại CV đều có thể tham khảo. Một số bạn bảo tôi nay thiếu gì website hay ứng dụng tạo CV đâu. Chính xác. Nhưng thông tin đưa vào CV ra sao là phù hợp quan trọng lắm nhé.